Tin tức

Tín hiệu “thức giấc” của nhiều DN bất động sản

Sau một thời gian chìm trong khó khăn hoặc “đóng băng” hoạt động do thị trường ảm đạm, nhiều doanh nghiệp (DN) bất động sản (BĐS) đang từng bước hồi phục trở lại bằng việc tập trung vào những dự án khả thi, đồng thời đa dạng nguồn vốn mới.

000-3-5006.jpg

Trong giai đoạn hiện nay, doanh nghiệp bất động sản cần biết cách đa dạng hóa nguồn vốn, giảm đòn bẩy tài chính, hạn chế đầu tư dàn trải. Ảnh: Nhã Chi

Lãnh đạo Công ty CP Tập đoàn đầu tư địa ốc No Va (Novaland) cho biết, hiện nay có 14/16 dự án thuộc các cụm dự án đang triển khai của Tập đoàn được tiếp tục xây dựng với tổng hạn mức xây dựng là 12.100 tỷ đồng và đang giải ngân theo giai đoạn. Ngoài những dự án này, thời gian qua, Novaland không lấn sang những dự án mới khác. Điều đáng ghi nhận là nhiều nhà thầu lớn chấp nhận thi công xây dựng trước, thanh toán sau khi sản phẩm đã bán được, để chia sẻ khó khăn với Novaland.

Riêng về lĩnh vực tài chính, tổng dư nợ phải trả cho các bên cho vay của Novaland giảm 8.122 tỷ đồng, tương đương 13% so với cuối năm 2022. Trong đó, dư nợ trái phiếu bán lẻ giảm gần 3.600 tỷ đồng, chiếm 44,1% tổng dư nợ giảm được (tính đến cuối tháng 6/2024). Đáng lưu ý, gần 20.500 tỷ đồng tổng dư nợ từ vay nợ nước ngoài, trái phiếu phát hành riêng lẻ của Novaland đã được gia hạn và có phương án xử lý.

Theo Novaland, hiện tại vẫn còn nhiều khó khăn của thị trường và thách thức về thanh khoản, tiến độ hoàn thiện pháp lý tại một số dự án. Điều này một phần phụ thuộc vào sự chỉ đạo tháo gỡ triệt để của Chính phủ, cơ quan, ban, ngành cũng như sự tiếp tục hỗ trợ của các đối tác tài chính, khách hàng. Tuy nhiên, Novaland cam kết sẽ tập trung tháo gỡ pháp lý và thi công xây dựng các dự án trọng điểm, cũng như đẩy mạnh tái cấu trúc tài chính, cải thiện danh mục đầu tư.

Tại Công ty CP Phát triển BĐS Phát Đạt, mới đây, HĐQT Công ty đã thông qua chủ trương chuyển nhượng toàn bộ 111,7 triệu cổ phần Công ty CP Đầu tư BĐS BIDICI, tương đương 49% vốn điều lệ, ước tính thu về ít nhất gần 1.500 tỷ đồng. Ngoài ra, Công ty đã huy động thành công 1.200 tỷ đồng từ việc chào bán 120 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.

Với nguồn tài chính ổn định trong tay, Phát Đạt dự kiến triển khai một số dự án lớn trong năm nay như: Khu đô thị sinh thái Nhơn Hội (132 tỷ đồng); Khu dân cư Bắc Hà Thanh (511 tỷ đồng); Cadia Quy Nhơn (400 tỷ đồng). Ngoài ra, Phát Đạt còn rót 300 tỷ đồng vào 2 công ty con là Công ty CP BĐS Đầu tư và Phát triển Cao ốc Thiên Long và Công ty CP BĐS Đầu tư và Phát triển Cao ốc Hoà Phú để thực hiện dự án Khu nhà ở phức hợp cao tầng Thuận An 1 và Thuận An 2 tại Bình Dương.

Trước khi thị trường BĐS xảy ra khó khăn chung, trong chiến lược 2021 - 2025, Công ty CP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (TTC Land) đã được Tập đoàn TTC và HĐQT Công ty định hướng không mở rộng dự án, không phát hành trái phiếu mà tập trung vào củng cố nguồn lực nội tại. Năm nay, TTC Land chỉ tập trung phát triển các sản phẩm BĐS giá vừa túi tiền, dễ sở hữu. Thời gian tới, Công ty sẽ cho ra thị trường hàng nghìn sản phẩm căn hộ giá tốt tại Phú Quốc và Đà Lạt, kỳ vọng là nền tảng để mảng BĐS của TTC Land có đà hồi phục trở lại.

Ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Tập đoàn TTC cho biết, dù đã có 20 năm phát triển nhưng TTC Land không nằm ngoài vòng xoáy khó khăn chung của thị trường. Thời gian qua, TTC Land như “ngủ đông” và giờ là lúc bắt đầu giai đoạn thức giấc. Trong tương lai gần, nếu không có gì thay đổi, TTC Land có thể sẽ sáp nhập mảng BĐS công nghiệp và BĐS dân dụng. Kịch bản thận trọng vẫn là ưu tiên của Tập đoàn trong giai đoạn hiện nay.

Theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, tài chính cho thị trường BĐS chủ yếu đến từ các nguồn như: khách hàng (đặt cọc, ứng trước, trả góp…); đối tác (trả chậm, tín dụng thương mại…); ngân sách nhà nước (vốn mồi, ưu đãi, miễn/giảm thuế; chương trình phục hồi, quỹ nhà ở xã hội…); nguồn vốn tín dụng, bảo lãnh; cho thuê tài chính; vốn tự có, vốn góp. Nói vậy để thấy, Việt Nam còn nhiều dư địa phát triển tín dụng nhà ở. Song, cách tiếp cận nên dựa trên phát triển cân bằng, hài hòa hơn với thị trường tài chính. Nghĩa là, kiến tạo phát triển song vẫn kiểm soát rủi ro, nhất là quan tâm kiểm soát rủi ro tài chính - BĐS. Hiện nay, bên cạnh một số phân khúc vừa túi tiền còn thiếu cung thì vẫn còn một vài phân khúc BĐS cao cấp lại bội cung, nên cần phải chú trọng điều tiết cung - cầu BĐS, giá cả.

Ông Lực cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, DN cần có kế hoạch cụ thể, khả thi thanh toán nợ trái phiếu đáo hạn, nhất là năm 2024 - 2025. Mặt khác, DN cần biết cách đa dạng hóa nguồn vốn; giảm đòn bẩy tài chính, hạn chế đầu tư dàn trải; hướng tới minh bạch, chuyên nghiệp, nhất là hồ sơ thuế, tín dụng, hồ sơ phát hành chứng khoán, thực hiện đúng các cam kết…

Theo ghi nhận của Báo Đấu thầu, nhiều DN trong lĩnh vực BĐS dự báo, ngành BĐS dân dụng phục hồi sức cầu từ cuối năm 2024 đến năm 2025. Trong khi đó, đến năm 2025, phân khúc cao cấp có thể chưa “tan băng”. Năng lực và nguồn lực của BĐS vẫn còn đó. Đến thời điểm phù hợp, nếu DN biết đẩy mạnh mảng này sẽ có cơ hội hồi sinh trở lại.

Nguồn: Báo Đấu thầu

tin liên quan

JAMONA HEIGHTS
JAMONA CITY
CARILLON 3
CARILLON 7
CHARMINGTON
https://ttcland.vn/
https://ttcland.vn/catalog/view/theme/