Theo thống kê sơ bộ từ Sở Xây dựng TP.HCM, hiện có thể làm được khoảng 10.000 căn hộ nhà ở xã hội 30m2 có giá bán khoảng trên dưới 200 triệu đồng/căn, nhưng sẽ chỉ có khoảng 10.000 người mua được, chiếm khoảng 1% người có nhu cầu.
Ì ạch trong phát triển nhà ở xã hội
TP.HCM hiện có gần 13 triệu dân, với gần 300.000 công nhân, lao động và 69% là người ngoại tỉnh. Tuy nhiên, hiện chỉ có khoảng 16.190 người có chỗ ở tại các nhà lưu trú công nhân. Phần lớn công nhân phải thuê phòng trọ, nhà trọ dân lập giá rẻ, thiếu tiện ích, thiếu an toàn. Có khoảng 500.000 sinh viên hiện đang học tập tại thành phố, tuy nhiên có nhiều trường ĐH-CĐ chưa đáp ứng đủ chỗ cho sinh viên ở ký túc.
Nhu cầu nhà ở cho người có thu nhập thấp tại TP.HCM còn rất lớn!
Số liệu khảo sát mẫu từ Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM cho biết, trong giai đoạn 2016-2020, Thành phố có đến 81.000 hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu nhà ở xã hội: Cán bộ công chức là 10.000; hộ thu nhập nghèo, cận nghèo là 39.000; lao động trong khu công nghiệp là 17.000; đa số trong các nhóm đối tượng đã lựa chọn phương thức thuê mua nhà ở xã hội chiếm tỷ lệ từ 65% đến 94%. Đặc biệt, trong số đó có hơn 402.000 công nhân, lao động đang làm việc trong các khu chế xuất, khu công nghiệp của thành phố thì có đến 284.000 người phải đang thuê phòng trọ, nhà trọ.
Tuy nhiên, cũng theo một nguồn thông tin khác, hiện nay TP.HCM có 206 dự án nhà ở xã hội với quy mô xây dựng khoảng 168.700 căn hộ, tổng diện tích khoảng 8.435.000m2 đang bị chậm tiến độ hoặc tạm dừng thi công. Trong đó, các đơn vị không có nguồn vốn để tiếp tục cho vay sau khi gói tín dụng 30.000 tỷ đồng theo quy định tại Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ đã giải ngân hết vào cuối tháng 12/2016.
Mức giá cho thuê nhà ở xã hội và loại căn hộ nhà ở thương mại giá rẻ giá từ 1 - 3 triệu đồng/tháng và đang rơi vào tình trạng thiếu thốn. Ký túc xá các trường đại học và các khu lưu trú công nhân do Ban quản lý Khu Công nghệ cao, các doanh nghiệp đầu tư xây dựng trên địa bàn thành phố hiện nay mới chỉ giải quyết nhu cầu chỗ ở được khoảng 13%.
Theo nhận định của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM thì việc phát triển nhà ở xã hội vẫn tiến triển rất chậm, có nhiều khó khăn, ách tắc. Trong đó, việc không bố trí được vốn ngân sách để thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội theo quy định của Luật Nhà ở năm 2014 và Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 22/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội là nguyên nhân chủ yếu.
Ưu tiên nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp
Theo thống kê sơ bộ từ Sở Xây dựng TP.HCM hiện có thể làm được khoảng 10.000 căn hộ nhà ở xã hội 30m2 có giá bán khoảng trên dưới 200 triệu đồng/căn, nhưng sẽ chỉ có khoảng 10.000 người mua được, chiếm khoảng 1% người có nhu cầu. Như vậy, đa số công nhân, lao động, người thu nhập thấp và người nhập cư sẽ không còn loại nhà này để mua, nên chưa đảm bảo công bằng xã hội và cũng chưa giải quyết được nhu cầu rất lớn của xã hội; Trong lúc các khu công nghiệp, khu công nghệ cao lại cần phát triển nhiều căn hộ nhà ở xã hội cho thuê có diện tích từ 25 - 50m2/căn, thì phù hợp với nhu cầu thực tế và của các lớp công nhân, lao động tiếp theo.
Trước tình trạng trên, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đã có đề nghị tập trung phát triển chủ yếu là loại căn hộ nhà ở xã hội 1 - 2 phòng ngủ, diện tích khoảng 25 - 77m2, có giá bán khoảng 250 - 700 triệu đồng/căn.
Nhà ở cho người có thu nhập thấp rất cần có sự chung tay của toàn xã hội.
Cũng với đó, Sở Xây dựng cũng đã phối hợp với Bộ Xây dựng, các Sở, ngành, quận, huyện theo cơ chế một cửa liên thông để giảm thời gian làm 03 thủ tục hành chính của dự án nhà ở. Khâu thẩm định thiết kế cơ sở; thẩm định thiết kế kỹ thuật; cấp phép xây dựng từ 75 ngày hiện nay xuống còn 42 ngày.
Theo đó, kế hoạch phát triển nhà ở xã hội của Sở Xây dựng TP.HCM từ nay đến năm 2020 là phát triển 39 dự án với quy mô 45.000 căn hộ. Đến năm 2020 sẽ đưa vào sử dụng 30.000 căn (có 20% dành để cho thuê, 60% căn hộ để bán trả góp dài hạn, 20% căn hộ dành cho chủ đầu tư bán thương mại để bù đắp chi phí). Trong đó, giai đoạn từ 2011 - 2020, nhu cầu nhà ở xã hội cần khoảng 134.000 căn.
Bên cạnh đó, từ nay đến năm 2020, thành phố cũng sẽ xây dựng lại hoặc sửa chữa nâng cấp tối thiểu 50% trong tổng số 474 chung cư cũ đã được xây dựng từ trước năm 1975, với tổng số khoảng trên 35.000 căn hộ mới; và triển khai thực hiện các dự án di dời, tái định cư trên 20.000 căn nhà trên và ven các kênh rạch; đi đôi với xu thế của các doanh nghiệp bất động sản có sự chuyển hướng đầu tư vào phân khúc nhà ở vừa túi tiền, nhà ở giá rẻ, có giá bán khoảng từ 700 triệu đồng đến 1 tỷ đồng.
Kế hoạch phát triển này sẽ cung ứng cho thị trường bất động sản khoảng 100.000 căn hộ nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ, nhà ở thương mại vừa túi tiền cho cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước, cán bộ lực lượng vũ trang, người có thu nhập thấp, công nhân, lao động và người nhập cư.
Như vậy, việc giải quyết nhu cầu nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ, trước hết là phải có nhiều căn hộ cho thuê giá rẻ, có đủ các tiện ích cơ bản và an toàn, đặc biệt là phải phù hợp với hoàn cảnh, đặc thù về dân cư, xã hội, tốc độ phát triển kinh tế của TP.HCM. Đây được xem là nhiệm vụ chính trị của thành phố, nhằm nâng cao tính nhân văn và có ý nghĩa xã hội rất sâu sắc, đảm bảo an sinh xã hội, an ninh chính trị tại TP.HCM.
Nguồn: reatimes