Chủ tịch Tập đoàn TTC Đặng Văn Thành không ngại chọn lĩnh vực “người khác đã đi” khi nhìn thấy cơ hội, nhưng bằng niềm say mê và cách làm khác biệt để trở thành người dẫn đầu.
Doanh nhân Đặng Văn Thành
Những dấu ấn tiên phong
Sóng gió đã qua ở Sacombank không thể ngăn niềm tự hào mỗi khi ông Đặng Văn Thành nhớ về chặng đường đã qua. Từ Chủ nhiệm HTX Tín dụng Thành Công năm 1989, ông Thành tham gia sáng lập Ngân hàng Sacombank vào 2 năm sau đó và xây dựng ngân hàng này trở thành một ngân hàng thương mại cổ phần phát triển mảng bán lẻ lớn nhất Việt Nam thời bấy giờ.
Thuộc thế hệ doanh nhân đời đầu sau thời kỳ đổi mới, ông Thành nhận ra nhiều cơ hội từ thị trường còn bỏ ngỏ.
“Hồi ấy, tôi có nhiều cơ hội kinh doanh và trở thành tiên phong trong ngành khi vận hành Sacombank, đưa Sacombank trở thành ngân hàng đầu tiên niêm yết vào năm 2006. Khi đó, nói đến niêm yết là nhắc về một cuộc chơi đẳng cấp”, ông Thành nhớ lại như chưa bao giờ ngừng tự hào về Sacombank.
Không chỉ là ngân hàng đại chúng đầu tiên tiên phong niêm yết cổ phiếu, Sacombank, dưới thời ông Thành, còn là ngân hàng đầu tiên lập công ty quản lý quỹ và công ty cho thuê tài chính.
5 năm trước, ông Thành quan tâm đến lĩnh vực năng lượng tái tạo, bởi cho rằng, đây là xu thế tất yếu của thế giới khi hướng đến yếu tố thân thiện môi trường, nguồn năng lượng vô tận. Mặc dù, không phải là doanh nhân đầu tiên đầu tư vào lĩnh vực này, nhưng uy tín của một doanh nhân từ dấu ấn hoàng kim của Sacombank đã khiến hàng loạt định chế tài chính sẵn sàng rót vốn đầu tư.
Vị doanh nhân 60 tuổi này hồ hởi trước tin mừng, khi gần đây Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và FMO sẽ rót 60 triệu USD vào cuối năm nay cho lĩnh vực này của TTC và số vốn theo kế hoạch có thể lên 100 triệu USD.
Ông Thành tin rằng mình là người may mắn khi cả hai ngành ngân hàng và năng lượng của ông đều được các định chế tài chính quốc tế quan tâm. Khi IPO Sacombank, đã có không biết bao nhiêu nhà đầu tư săn đón ông để thỏa thuận đầu tư. Với ngành năng lượng hiện thời cũng vậy.
“Trước khi có nhà máy điện của Thành Thành Công, điện sinh hoạt tại tỉnh Tây Ninh được tải về từ lưới điện ở Hóc Môn, Củ Chi. Còn hiện giờ, TTC cung cấp đến 40% điện sinh hoạt toàn tỉnh và mỗi năm thu về hàng trăm tỷ đồng tiền bán điện”, ông Thành tự hào khi nói đến điện sinh khối sản xuất từ bã mía.
Hưởng ứng chương trình cổ phần hoá các doanh nghiệp đường của Nhà nước vào cuối năm 1980, từ nhà thương mại, ông Thành chuyển sang sản xuất với điều kiện tiên quyết phải sở hữu vùng nguyên liệu.
Trong khi thị trường thường “quen” với các thương vụ doanh nghiệp nước ngoài mua doanh nghiệp Việt, thì năm 2007, ông Đặng Văn Thành lại đi ngược, khi mua 2 nhà máy đường của nhà đầu tư Pháp là Bourbon Tây Ninh và Bourbon Gia Lai.
Ông nói, có thể nhờ trực giác, bản năng người làm doanh nghiệp nên nhìn thấy thị trường và nghề nghiệp của mình thôi thúc “phải làm gì đó để ngành mía đường Việt Nam có tiếng nói riêng”.
Dựa trên cánh đồng mẫu lớn, tăng tỷ lệ cơ giới hoá, với ông Thành, đó là vấn đề căn bản, tác động 80% thành công cho mỗi nhà máy đường và hiệu quả sẽ vượt trội sao cho “mọi thành phần cấu tạo nên cây mía đều có thể dùng được” bằng việc thực hiện chu trình sản xuất khép kín.
“Mía là một loại cây chung thuỷ, đền ơn cho nông dân tức khắc, ngay khi đốn mía bán cho nhà máy phát điện sinh khối. Vừa đem cây mía vô là ra điện cho dân xài. Rồi tôi nghĩ đến việc sản xuất rỉ ra cồn, tách 10% CCS (chữ đường) ra làm đường cát, 90% còn lại được tách ra làm nước mía đóng chai”, ông Thành chia sẻ rồi tiếp tục nói về mục tiêu của TTC trong ngành mía đường mà TTC theo đuổi “tệ nhất, phải làm chủ thị trường 90 triệu dân”.
TTC còn tự nghiên cứu lai tạo ra giống mía phù hợp cho từng khu vực tùy theo điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng. Trong quá trình canh tác, để giảm sử dụng thuốc trừ sâu, ông Thành đã mời cả TS nông nghiệp Trần Tấn Việt về làm Giám đốc Công ty CP Nghiên cứu Ứng dụng Mía đường TTC và nghiên cứu đưa con ong mắt đỏ vào ruộng mía để diệt sâu đục thân cây mía. Cùng với sử dụng ong mắt đỏ, trong các ruộng mía, cứ cách 100 mét, TTC lại đặt một trụ bẫy đèn thiêu thân. “Buổi sáng, mỗi trụ đèn có hàng cân sâu rầy, đó chính là nguồn thức ăn cho cá và đó cũng là một trong những yếu tố góp vào thành công trong cải thiện bữa ăn của công nhân”.
Ông Thành bỗng trở nên hào hứng khi kể về phương pháp “cày sâu 6 tấc” mà ông học được từ người Thái đã giúp năng suất bình quân mỗi ha mía tăng thêm 5 tấn so với trước đây. Với giải pháp này, cây mía không chỉ tận dụng tối đa dinh dưỡng trong lòng đất, mà khi rễ bén sâu, cây mía có thể đứng vững, giữ nước, giữ độ ẩm, thì ít cần phải thay gốc trong vụ kế tiếp.
“Cây mía cũng như con người, cơ thể khoẻ mạnh, sức đề kháng cao thì không có bệnh và đó là điều kiện tiên quyết để đạt năng suất cao. Những kỹ thuật này phải đi học chứ có trên trời rơi xuống đâu. Nông dân mình ngày xưa thiếu thông tin này, còn những người làm ngành mía đường cũng không học vì thời đó sản xuất còn thuộc doanh nghiệp Nhà nước”, ông Thành chia sẻ.
Kinh doanh là sản xuất ra sản phẩm thị trường cần, vì vậy, để đáp ứng nhu cầu thị trường, TTC có đường đen nữ hoàng làm trà sữa, đường que, đường phèn, đường organic,… Ông Thành khẳng định, tại Việt Nam, hầu hết đường que uống cà phê đều do TTC cung cấp. Mỗi năm TTC có khoảng 1,6-1,7 triệu tấn đường được sản xuất, trong đó, tiêu thụ nội địa khoảng 1,5 triệu tấn còn xuất khoảng 200.000 tấn.
Không chỉ với mía, dừa cũng là một loại cây quen thuộc, nhưng khi thấy trái dừa “lận đận” ngay chính tại Bến Tre - thủ đô dừa, ông Thành nhận ra rằng, nguyên nhân của sự lận đận là do chưa xây dựng được mối liên kết có tính ổn định giữa sản xuất với tiêu thụ.
Ngay khi nhìn ra bản chất “lận đận” của trái dừa, năm 2014, ông Thành đã nghiên cứu, xây nhà máy sản xuất nước dừa và sữa dừa đóng hộp với vốn đầu tư hơn 20 triệu USD và cũng chỉ sau một thời gian, nước dừa nguyên chất, nước dừa trái cây, nước cốt dừa, dầu dừa, cơm dừa sấy khô và đặc biệt là sữa dừa của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Bến Tre (Betrimex) được xuất khẩu sang nhiều quốc gia.
Theo lời ông Thành, sản phẩm sữa dừa được sản xuất từ cơm dừa sấy nhuyễn, trộn với nước dừa hiện là thức uống mà khu vực Trung Đông đang rất ưa chuộng.
“Những việc đó không ai giao cho tôi, nhưng tôi đặt hàng yêu cầu cán bộ TTC phải cùng làm. Dù có hội nhập hay không thì cũng phải đứng vững trước đã. Với ngành mía đường, tệ lắm phải làm chủ thị trường 90 triệu dân để không phải dùng ngoại tệ để nhập đường về”, Chủ tịch TTC kỳ vọng.
Chuyển giao thế hệ
Khoảng cách về tuổi tác giữa các thế hệ dẫn đến sự khác biệt trong tư duy khi vận hành doanh nghiệp. Nếu những doanh nhân thuộc thế hệ 6x như ông Đặng Văn Thành có lợi thế về kinh nghiệm qua quá trình rèn luyện, chịu đựng, kiên nhẫn trong thời kinh doanh còn nhiều bất biến, thì thế hệ kế cận lại có sự sáng tạo, có cá tính riêng, có “chất ngông” của tuổi trẻ.
Từ bài học của những tập đoàn gia đình tại Hàn Quốc, Nhật Bản đang vươn rộng tầm ảnh hưởng đến các nước trong khu vực, ông Thành nhận ra rằng, trước khi đạt được tầm vóc như vậy, các tập đoàn đó đã phải trải qua thời kỳ “quá độ” và lộ trình “quá độ” được ông xác định rõ ràng: với xuất phát điểm có hạn, thế hệ doanh nhân 6X“ làm tốt công việc trong dải đất hình chữ S; thế hệ hiện nay được trang bị kiến thức hiện đại và được kế thừa từ thế hệ trước sẽ thực cuộc chơi mang tầm vóc lớn hơn là vượt khỏi khu vực Đông Nam Á, tiến ra châu Á và hướng tới việc hiện diện trên toàn cầu.
“Trên thế giới có những tập đoàn sản xuất từ món đồ chơi đến chiếc phi cơ, nên doanh nhân phải tranh thủ điều kiện, cơ hội tốt nhất. Nhưng muốn kinh doanh bền vững thì phải hiểu được nguyên tắc của nó, không thể làm theo kiểu phát triển tràn lan, tuỳ tiện, thiếu cơ sở căn bản”, ông Đặng Văn Thành chia sẻ kinh nghiệm của người từng 3 thập kỷ lăn lộn trên thương trường.
Có thể, CEO thức thời là người biết điểm dừng và thời điểm dừng, nhưng với ông Thành, “điểm dừng” và “thời điểm dừng”, thực chất là bước đi của người có tầm nhìn, đó là sự chấp nhận lùi lại để sức bật của thế hệ kế cận có điều kiện phát huy. Tuy nhiên, sức bật, sự sáng tạo của tuổi trẻ phải được kết hợp với kinh nghiệm thương trường được chắt lọc từ thế hệ trước.
Ở tuổi cận 60, ông Đặng Văn Thành dự liệu sẽ ngừng lãnh đạo trực tiếp Tập đoàn vào 2 hoặc 3 năm nữa, chuyển sang hoạch định chiến lược và thế hệ trẻ là đội ngũ thực thi.
Ông Thành hoàn toàn có thể hy vọng vào đội ngũ kế nhiệm khi cả 4 người con của Đặng gia đều say mê kinh doanh. “Con nhà tông, không giống lông cũng giống cánh”, ông Thành khẽ cười.
Con trai cả Đặng Hồng Anh theo nghề địa ốc, Đặng Huỳnh Ức My phụ trách mía đường, “cậu Tư” Đặng Huỳnh Anh Tuấn đảm nhiệm mảng du lịch của Tập đoàn, còn cậu út Đặng Huỳnh Thái Sơn đang du học.
“Nếu con có ý tưởng thử nghiệm ở quy mô nhỏ tôi chấp nhận cho thử, còn mang tính chất quyết định phải cân nhắc kỹ dựa trên quy chế, quy trình của Tập đoàn để lượng định được rủi ro có thể chấp nhận được chứ không phải chấp nhận mọi rủi ro”, ông Thành nói.
Nhưng ai cũng có thấy rằng, để vượt qua cái bóng quá lớn của ông Thành ở TTC, chắc chắn không phải là điều dễ làm và càng chắc chắn hơn là không nhiều người làm được. Tuy nhiên, những người con ông, với nhiều đức tính có “gen kinh doanh” và đang dần hoàn thiện về kiến thức chuyên môn, về phong thái không đơn thuần của người làm chủ, mà là của một nhà lãnh đạo, kỳ vọng một ngày, sẽ có người vượt qua “cái bóng quá lớn” đó.
“Tiên phong ở mức độ rủi ro chấp nhận được, nếu thành công, sẽ rất ngọt ngào. Nhưng tiên phong mà hăng say quá, bất chấp mọi rủi ro là rất dễ mắc sai lầm, phải trả giá.”
“Đừng tự ti làm việc nhỏ hay lớn mà quan trọng là làm tốt hay không tốt. Nhỏ thì cứ làm thật tốt để tìm cơ hội phát triển lên. Đừng tự ti làm nhỏ rồi không làm thì mất cơ hội. Không ai lớn hay trưởng thành ngay khi vừa được đẻ ra.”
“Nguyên tắc của tôi xưa giờ, sau mỗi việc đều phải xem lại mình có làm gì trật không, tự mình hoàn thiện, tự mình nghiêm khắc. Nghiêm khắc để sửa từ suy nghĩ đến hành động.”
Nguồn: Báo Đầu tư