Tái cơ cấu ngành du lịch trong quý 1/2018
Các điểm du lịch hoang sơ, kỳ thú trong top đầu tìm kiếm hàng năm trên thế giới luôn có sự góp mặt của Việt Nam. Chính phủ Việt Nam cũng đang có những chính sách mới điều chỉnh cơ cấu trong đó du lịch trở thành trọng tâm trong tương lai khi ngành này mang lại nhiều ngoại tệ, tăng trưởng mang tính bền vững, ít gây hại môi trường và là động lực chung thúc đẩy các ngành phụ cận tăng trưởng theo.
Điều nghịch lý là dù có một bờ biển dài tuyệt đẹp cùng hàng trăm danh lam thắng cảnh nổi tiếng nhưng khả năng cạnh tranh của ngành du lịch của Việt Nam vẫn chưa nổi bật so với các nước trong khu vực. Các sản phẩm chưa đa dạng, dịch vụ chưa tối ưu chất lượng, việc đảm bảo an ninh, vệ sinh môi trường chưa được chú trọng đúng mức. Khách du lịch thật sự vẫn chưa có những trải nghiệm hoàn hảo. Với thực tế đó, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam – Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước về Du lịch vừa có chỉ đạo về công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện năm 2017, phương hướng và nhiệm vụ năm 2018 của ngành du lịch.
Phó thủ tướng đã giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẩn trương hoàn thiện Đề án tái cơ cấu ngành du lịch, trình duyệt trong quý 1/2018. Theo đó Bộ Thể thao và Du lịch chỉ đạo ngành du lịch lựa chọn một số nhiệm vụ cụ thể, thiết thực như: phát động phong trào, hỗ trợ sinh viên làm hướng dẫn viên du lịch tình nguyện tại các điểm du lịch; xây dựng nhà vệ sinh đạt chuẩn tại các khu, điểm du lịch; cải thiện chất lượng các công trình vệ sinh tại các cây xăng, điểm dừng chân trên các tuyến giao thông huyết mạch bảo đảm yêu cầu phục vụ khách du lịch… cải thiện môi trường, nâng cao hình ảnh du lịch Việt Nam, điểm đến an toàn, thân thiện.
HSBC cho rằng việc đẩy mạnh du lịch chính là chính sách bền vững cho Chính phủ Việt Nam trong tương lai. Theo HSBC, Việt Nam đang tìm kiếm các kênh tăng trưởng mới không phụ thuộc vào dầu mỏ và đẩy mạnh du lịch chính là một chính sách bền vững. Theo các chuyên gia, điều này sẽ tác động tích cực lên hoạt động của ngành du lịch trong nước. Tiến sĩ Vũ Quang Đông, Tổng giám đốc Công ty Quản lý Quỹ Vietcombank (VCBF) đưa ra nhận định, những ngành hàng tiêu dùng, vận tải và kho vận liên quan tới xuất nhập khẩu: hàng không, đường thủy, ngành bán lẻ và dịch vụ tài chính sẽ có nhiều cơ hội tăng trưởng tốt trong 2018.
Ngoài ra, thị trường bất động sản vẫn có cơ hội tăng trưởng trong năm tới do lãi suất vẫn ở mức thấp và nhu cầu nhà ở tại các thành phố lớn tăng đều do tốc độ dịch chuyển đô thị hóa tiếp tục tăng cao. Nhưng theo TS Đông, các ngành du lịch và liên quan đến du lịch sẽ tăng tốc do Chính phủ đang tập trung thúc đẩy du lịch để tỉ trọng của ngành này sẽ tăng từ 6% GDP trong năm 2016 lên 10% GDP vào năm 2020. Theo các chuyên gia, năm 2018, TTCK được dự báo tiếp tục khởi sắc hơn sau khi VN-Index đã vượt mức 1.000 điểm ngoài kỳ vọng. Các cổ phiếu nhóm ngành thực phẩm, tiêu dùng, bán lẻ, du lịch… có tiềm năng tăng trưởng tốt.
Cú hích cổ phiếu ngành “công nghiệp không khói”
Các nhận định đưa ra, trong năm 2018, các cổ phiếu có tiềm năng tăng trưởng tốt trong tương lai, được hưởng lợi từ sự tăng trưởng của kinh tế Việt Nam sẽ là sự lựa chọn đầu tư. Theo đó, với dân số hơn 90 triệu người, sức tăng trưởng của nền kinh tế đến nhiều từ tăng trưởng tiêu dùng và do đó, các cổ phiếu ngành lương thực thực phẩm, bán lẻ, phân phối và du lịch sẽ thu hút nhà đầu tư. Trong đó, đáng chú ý nhất là nhóm cổ phiếu ngành du lịch nhờ sự tăng trưởng du lịch Việt Nam trong những năm tới rất lớn, đặc biệt với định hướng hiện nay đang xem du lịch là ngành mũi nhọn. Cùng với du lịch, các cổ phiếu được hưởng lợi từ sự phát triển du lịch như: hàng không, bất động sản phát triển chuỗi khách sạn, những công ty trong chuỗi bán lẻ, hàng không… cũng rất đáng chú ý, nhất là các doanh nghiệp chủ lực.
Một số doanh nghiệp trong nước hiện đã đón đầu xu thế và gia tăng đầu tư vào ngành du lịch dự báo sẽ tăng rất mạnh trong các năm tới. Một trong các doanh nghiệp đang niêm yết trên sàn nổi bật nhất là VNG với các dự án đầu tư bài bản ngay từ đầu.
Điều đáng quan tâm đó chính là những thế mạnh mà VNG tạo nên sự khác biệt với các doanh nghiệp cùng ngành khác là đã tích lũy những chuỗi khách sạn, nhà hàng, khu du lịch trọng điểm và vẫn trong giai đoạn mở rộng đầu tư. Ngay tại Đà Lạt, VNG đã sở hữu các khách sạn tại khu đất vàng tại trung tâm chợ Đà Lạt. Ngoài ra VNG còn sở hữu khu vui chơi giải trí TTC World – Thung lũng Tình yêu với diện tích hơn 200 ha. Đây cũng là vị trí du lịch mà VNG đã phối hợp một Tập đoàn chuyên thiết kế và xây dựng các điểm tham quan nổi tiếng trên thế giới để thiết kế và xây dựng trở thành khu vui chơi, giải trí tầm cỡ và thực sự thu hút.
Hiện ở Đà Lạt các khu vực du lịch chưa có nhiều điểm mới và du khách rất mong muốn có nơi vui chơi giải trí tầm cỡ kết hợp nghỉ dưỡng và đây chính là mô hình phù hợp khi du khách đã ghé thăm Đà Lạt. Sau khi đã chuẩn bị đầu cuối là các khu nghĩ dưỡng, vui chơi giải trí tại nhiều khu vực trọng điểm: TP.HCM, Đà Lạt, Nha Trang, Phú Quốc, Đà Nẵng, Huế, Hà Nội, Bến Tre, VNG đang phát triển 01 Trung tâm lữ hành cung cấp các sản phẩm du lịch đa dạng với tên gọi TTC Travel và 2 Trung tâm hội nghị quy mô tại tỉnh Bình Thuận và Bến Tre.
Với việc hoàn thiện hoạt động Trung tâm lữ hành, VNG đang cung cấp cho khách hàng một dịch vụ trọn gói khép kín từ đầu vào là tư vấn, dịch vụ lữ hành cho đến nơi lưu trú, giải trí. Từ đó giá thành tour du lịch của TTC Travel đưa ra sẽ rất cạnh tranh so với đối thủ khác và thu hút khách.
Hiện tại VNG đã nắm giữ hơn 20 khách sạn và resort… nhưng không chỉ dừng lại ở đó mà VNG vẫn đang dự định mở rộng thị trường ra các địa bàn du lịch tiềm năng khác với 9 dự án lớn từ nay đến 2020… Đây có thể là năm bản lề cho VNG chuẩn bị bứt phá tăng tốc mạnh trên thị trường du lịch nổi bật là doanh nghiệp lớn trong bức tranh ngành du lich Việt Nam.
Trong năm 2017, VNG đã hoàn tất việc tăng mạnh vốn từ 130 tỷ đồng lên 752 tỷ đồng thông qua chào bán 62,2 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu đầu năm 2017. Toàn bộ số tiền thu về 622 tỷ đồng được Công ty đổ vào 4 Công ty du lịch gồm CTCP Du lịch Thắng Lợi, CTCP Du lịch Thành Thành Công Lâm Đồng, CTCP Du lịch Thanh Bình và CTCP Du lịch Bến Tre. Với việc tăng mạnh quy mô, năm tài chính 2017, ước tính VNG có thể ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 900 tỷ đồng, gấp 3,6 lần cùng kỳ năm trước.
Nguồn: Báo Đầu tư
22/01/2018