Liên quan đến dự án nhà ở 76 Tôn Thất Thuyết (hay còn gọi là dự án Charmington Iris), quận 4, mới đây, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã đề cập đến việc đẩy nhanh tiến độ được khởi động trở lại.
Tại “Hội nghị gặp gỡ và trao đổi giữa lãnh đạo TPHCM với doanh nghiệp bất động sản” được tổ chức vào ngày 22/2 vừa qua, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã đề nghị UBND TPHCM phối hợp với các cơ quan trung ương sớm có kết luận đối với các dự án thuộc diện rà soát, thanh tra, để các chủ đầu tư chấp hành… Từ đó được tiếp tục triển khai thực hiện dự án để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp, giúp bổ sung nguồn cung sản phẩm cho thị trường bất động sản, đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người dân.
Giải đáp vấn đề này, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết, những dự án thời gian qua đang bị thanh tra, kiểm tra hay điều tra nhưng đến nay được cơ quan chức năng cho “khởi động” thì các sở ban ngành phải hỗ trợ doanh nghiệp để hoàn thành thủ tục.
Vị trí dự án Charmington Iris nhìn từ google map
“Như dự án nhà ở, 76 Tôn Thất Thuyết, quận 4, đã được thông báo của các cơ quan chức năng rồi thì giờ phải cho chạy lại”, Chủ tịch UBND TP.HCM nhấn mạnh.
Trước đó, vào cuối tháng 1/2019, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến cũng đã có cuộc họp với các sở ngành liên quan đến dự án Trung tâm thương mại, dịch vụ, căn hộ có tên thương mại là Charmington Iris (76 Tôn Thất Thuyết, phường 16, quận 4, TP.HCM) để xem xét, rà soát lại chủ trương đầu tư tại dự án này để cho phép dự án khởi động trở lại khi đảm bảo điều kiện.
Dự án Charmington Iris đã thi công xong phần móng và lên tầng
Dự án “khởi động” giúp giải tỏa tình trạng thiếu nhà ở
Theo HoREA, từ tháng 10/2015 đến hết năm 2018, có đến 126 dự án nhà ở thương mại có quỹ đất hỗn hợp bị ách tắc thủ tục đầu tư xây dựng và 158 dự án bất động sản (BĐS) có nguồn gốc quỹ đất thuộc nhà nước quản lý phải rà soát lại thủ tục pháp lý, cá biệt có một số trường hợp thuộc diện phải thanh tra, kiểm tra.
Tháng 3/2019, lãnh đạo TPHCM và cơ quan có thẩm quyền của Trung ương đã quyết định cho 124 dự án được vận hành trở lại bình thường, nhưng trên thực tế hầu hết các dự án này vẫn chưa hoạt động trở lại bình thường.
Hầu hết doanh nghiệp bất động sản trong 2 năm qua đều có kết quả kinh doanh sụt giảm do không bán được hàng hoặc không có hàng để bán. Kết thúc năm tài chính 2019, đa số các doanh nghiệp địa ốc niêm yết có mức tăng trưởng doanh thu bình quân 7% và lợi nhuận sau thuế chỉ tăng 11%, thấp hơn rất nhiều so với mức tăng trưởng 47% của năm 2018.
Theo các chuyên gia, tình trạng sụt giảm nguồn cung là nút thắt lớn của thị trường bất động sản TPHCM trong 2 năm qua, năm nay lại chịu thêm tác động của dịch Covid-19 nên tính chất khó khăn càng trầm trọng hơn.
Chính vì vậy, quyết tâm gỡ khó cho hàng loạt dự án nằm trên đất vàng tại TPHCM sẽ giúp giải tỏa tình trạng thiếu cung nhà ở mở trên địa bàn TPHCM. Đây cũng là tin vui cho hàng loạt doanh nghiệp có thể tái khởi động hàng loạt dự án đang bị “đóng băng” trong 2 năm qua. Có thể kể đến như, Cổ phần Quốc Cường Gia Lai với 6 dự án bị ách tắc, đặc biệt là dự án Phước Kiển, huyện Nhà Bè có quy mô 91 ha. Công ty Him Lam với dự án thành phần Khu nhà ở Him Lam, phường Phước Bình, quận 9 và Dự án Khu đô thị mới Bắc Rạch Chiếc, phường Phước Bình, quận 9. Công ty Lê Thành chủ đầu tư các dự án nhà ở xã hội (NOXH) với hai dự án vướng mắc đã kéo dài nhiều năm là dự án Lê Thành An Lạc và dự án Lê Thành Tân Kiên. Công ty Cổ phần địa ốc Thảo Điền với dự án chung cư nhà ở xã hội Nam Lý (P. Phước Bình, Q. 9).
Nguồn cung hạn chế, nhu cầu người dân về căn hộ ở vẫn ở mức cao
Được biết, dự án 76 Tôn Thất Thuyết được giới thiệu quy mô 2 block cao 35 tầng, bàn giao gồm 1.438 căn hộ hoàn thiện cao cấp do Công ty TTC Land và Công ty đầu tư Sabeco là đơn vị phát triển dự án.
Nguồn: Dân Trí