Nhà phố, shophouse nghỉ dưỡng tại khu vực phía Nam có tính thanh khoản cao khi kinh tế, du lịch phục hồi. Trong đó, lượng giao dịch Phú Quốc tăng trưởng mạnh, chiếm 95% toàn khu vực phía Nam.
Từ tháng 11/2021, Phú Quốc là nơi thí điểm đón khách du lịch quốc tế thông qua hộ chiếu vaccine. Theo đó, cuối năm 2021, địa phương này đón trên 420.000 lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt trên 3.200 lượt. Đặc biệt, chỉ trong 9 ngày Tết Nguyên đán, du lịch nơi đây đón hơn 120.000 lượt khách quốc tế và nội địa.
Riêng, trong các ngày lễ 30/4 đến 3/5 mới đây, Phú Quốc đón 292.000 lượt khách đến tham quan du lịch, tăng hơn 65% so với cùng kì năm ngoái. Nhìn vào con số ấn tượng này cho thấy, "điểm tựa" cho thị trường bất động sản nghỉ dưỡng đã dần lộ diện.
Ghi nhận cho thấy, các ông lớn như Vingroup, TTC, Sungroup, BIM Group, CEO Group… đang đưa thị trường BĐS Phú Quốc trở lại guồng đua sau thời gian im ắng. Trong đó, một số doanh nghiệp đã có quỹ đất từ khá lâu, 10-12 năm trước nhưng hiện mới là thời điểm đưa dự án ra thị trường, đón sóng phục hồi của thị trường du lịch nghỉ dưỡng.
Một chuyên gia trong ngành nhận định, nếu so với các thị trường BĐS nghỉ dưỡng khác, Phú Quốc có lợi thế là thủ phủ du lịch truyền thống, thu hút lượng khách du lịch rất ổn định qua các năm. Theo đó, BĐS nghỉ dưỡng tại đây có đà tăng trưởng mạnh mẽ. Đối với các dự án BĐS pháp lý sở hữu lâu dài, gần như là "món hời" được nhà đầu tư săn đón.
Nếu loại hình condotel ghi nhận sự sụt giảm đáng kể về cả nguồn cung lẫn sức cầu trong những năm qua do dịch bệnh, thì điểm sáng của thị trường BĐS nghỉ dưỡng có vẻ nghiêng hẳn về loại hình nhà phố/shophouse thương mại; biệt thự biển. Đây là loại hình gần như "sống khoẻ" tại các quần thể du lịch, được phát triển bởi các CĐT uy tín.
Báo cáo thị trường BĐS nghỉ dưỡng tháng 4/2022 của DKRA Vietnam chỉ ra, ở loại hình nhà phố Shophouse nghỉ dưỡng, tiềm năng phát triển cùng tính thanh khoản cao nhờ sự phục hồi kinh tế và du lịch. Tỷ lệ tiêu thụ nguồn cung mới đạt 58% trong tháng 4/2022. Trong đó, 39% số lượng giao dịch đến từ các dự án ở khu vực phía Nam, chủ yếu tại Phú Quốc, chiếm 95% lượng giao dịch toàn khu vực.
Sản phẩm shophouse biển đang là "điểm sáng" của thị trường BĐS nghỉ dưỡng
Theo ông Võ Quốc Khánh, Tổng Giám đốc TTC Phú Quốc kiêm Tổng Giám đốc TTC Land, dòng shophouse biển tại các KĐT phức hợp là sản phẩm có biên độ tăng giá ấn tượng qua các năm do khan hiếm nguồn cung mới và hình thức kinh doanh đa dạng ở các điểm du lịch.
Theo đại diện DKRA Vietnam, sản phẩm nhà phố biển, shophouse thương mại có tỷ lệ tăng đơn giá bán sơ cấp trung bình khá cao. Trong tháng 4/2022, mức tăng của loại hình này đạt từ từ 15% - 23% so với tháng trước đó. Đơn vị này dự báo, trong các tháng tới, nguồn cung tương lai nổi bật chủ yếu đến từ các dự án ở khu vực miền Nam, từ 2 địa phương là Phú Quốc và BR–VT. Hiện tại các dự án kể trên đều đang trong giai đoạn đặt chỗ.
Ông Võ Hồng Thắng, Phó giám đốc R&D DKRA Vietnam nhận định, sau 2 năm chịu tác động nặng nề từ dịch bệnh Covid-19, từ cuối năm 2021 thị trường du lịch bắt đầu bước vào đà hồi phục mạnh mẽ vào những tháng đầu năm 2022.
Chỉ riêng trong quý 1/2022 loại hình bất động sản nghỉ dưỡng chứng kiến sự sôi động trở lại ở một số phân khúc như Biệt thự nghỉ dưỡng, Nhà phố/shophouse nghỉ dưỡng với nguồn cung và lượng tiêu thụ tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Cùng với sự hồi phục kinh tế, khởi sắc du lịch, đây được xem là tiền đề cho sự phục hồi của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng trong năm 2022 cũng như tạo động lực cho sự tăng trưởng của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng trong những năm tiếp theo.
Theo ông Thắng, BĐS nghỉ dưỡng là một kênh đầu tư có nhiều tiềm năng và dư địa phát triển bền vững. Đặc biệt, trong thời điểm hiện tại ngành du lịch đang từng bước chứng kiến sự hồi phục mạnh mẽ. Số liệu của Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch chỉ ra, trong Quý 1/2022, khách quốc tế đạt gần 91.000 lượt người, tăng 89,1% so với cùng kỳ, trong đó khách đến bằng đường hàng không đạt 82,3 nghìn lượt người, chiếm gần 90,5% lượng khách quốc tế đến Việt Nam, tăng 165,2%. Du lịch nội địa cũng ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực với lượng khách ước đạt 26,1 triệu lượt.
Với việc triển khai "hộ chiếu vaccine" và mở cửa đón khách du lịch quốc tế từ ngày 15/3/2022, ngành du lịch nói chung và loại hình bất động sản nghỉ dưỡng trên phạm vi cả nước đã chứng kiến nhiều chuyển biến rõ rệt. Đồng thời, loại hình bất động sản nghỉ dưỡng đã có những điểm sáng đáng ghi nhận, nổi bật là phân khúc nhà phố/shophouse nghỉ dưỡng với nguồn cung và lượng tiêu thụ tăng mạnh, lần lượt gấp 12,4 lần và 14,6 lần so với cùng kỳ năm trước.
"Mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn, trở ngại đến từ những yếu tố khách quan và chủ quan như: bất ổn chính trị trên thế giới; chính sách Zero-Covid của một số quốc gia đóng góp tỷ trọng lớn trong cơ cấu khách du lịch đến Việt Nam; những khó khăn, bất cập trong công tác triển khai cấp sổ cho condotel và officetel;… gây nguy cơ làm ảnh hưởng đến ngành du lịch cũng như thị trường bất động sản nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, tầm nhìn từ trung và dài hạn vẫn có thể lạc quan về sự tăng trưởng của ngành du lịch Việt Nam nói chung cũng như thị trường bất động sản nghỉ dưỡng nói riêng trong thời gian sắp tới. Trong tương lai, bất động sản nghỉ dưỡng sẽ là một trong những phân khúc chủ đạo dẫn dắt thị trường bất động sản", ông Võ Hồng Thắng nhận định.
Nguồn: Báo CafeF