Đó là chia sẻ của anh Đặng Hồng Anh, Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, về hàng chục chương trình thiện nguyện mà Hội đã xây dựng, tổ chức thực hiện trong suốt 2 năm dịch Covid-19 vừa qua.
Bản thân anh, dù dịch bệnh bùng phát khiến nhiều người dân không dám đi ra đường, nhưng anh vẫn chạy như con thoi, lúc thì trao lương thực thực phẩm ở địa phương này, lúc thì trao xe cứu thương ở bệnh viện nọ… “Nghe có vẻ ngược đời nhưng đây là giai đoạn tôi bận bịu và nhiều năng lượng tích cực nhất khi nhiều người, nhiều nơi cần mình. Đây cũng là giai đoạn mà tôi hiểu nhất câu nói “cho đi là hạnh phúc”, anh Đặng Hồng Anh lý giải.
Chúng tôi thấy anh có mặt ở khắp các “chiến tuyến”, từ việc tặng các bộ xét nghiệm nhanh Covid-19 đến tặng xe cứu thương, nấu ăn, xây dựng ATM thuốc rồi lại quay sang các chương trình giải cứu nông sản cho bà con nông dân… Điều gì khiến anh phải làm như vậy? Anh không sợ nhiễm bệnh?
Đầu tiên là xuất phát từ cái tâm. Từ nhỏ đến lớn tôi và gia đình theo đạo Phật, nên việc chia sẻ, sống có trách nhiệm với xã hội, với những người khó khăn đã ngấm vào máu. Ngoài ra, những chính biến của bản thân và gia đình tôi đã trải qua khiến tôi nghiệm ra rằng: đức năng thắng số. Khi mình làm được việc thiện, việc tốt sẽ được nhiều người yêu quý mình. Đến khi mình gặp khó khăn, hoạn nạn sẽ có người giúp. Bản thân tôi nghĩ rằng mình vẫn còn là người may mắn hơn rất nhiều người khác. Mỗi ngày nhìn ra ngoài kia, thấy bao nhiêu người đã khó khăn nay càng khó khăn hơn đã thôi thúc tôi phải suy nghĩ xem mình phải làm gì, cần làm gì, có thể làm gì để giúp họ. Mình cố gắng một chút là giúp thêm được một người đỡ khổ... Cứ thế, việc này cuốn việc kia, giúp được càng nhiều người, tôi càng muốn giúp thêm nhiều người khác nữa. Suy nghĩ như vậy nên khi có ý tưởng, có cơ hội là tôi làm, làm một cách hăng say như đang làm cho chính bản thân, cho gia đình của mình vậy.
Đó là suy nghĩ của cá nhân tôi. Còn Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam từ lâu đã có truyền thống tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau khi hoạn nạn nên mỗi khi phát động chương trình thiện nguyện đã được các anh em trong Hội ủng hộ nhiệt thành. Nhiều anh em trong Hội đã xông pha vào tâm dịch, càng đi thực tế càng thấy những hình ảnh đầy xúc động cũng như những việc cần làm ngay. Chất trẻ của doanh nhân cùng với sự quyết đoán đã giúp chúng tôi đưa ra các biện pháp hỗ trợ cũng như triển khai nhanh, kịp thời, góp phần giúp đỡ rất nhiều người vượt qua đại dịch.
Cụ thể thì Hội đã thực hiện được những chương trình gì, thưa anh?
Lúc đầu khi dịch Covid-19 mới xuất hiện ở Việt Nam, Chính phủ yêu cầu Công ty Việt Á sản xuất các bộ test Covid-19 để phục vụ nhu cầu trong nước. Chỉ trong vòng 1 ngày, Hội đã huy động được 5 tỉ đồng đóng góp kinh phí sản xuất 10.000 bộ kit xét nghiệm nhanh tặng các địa phương.
Trong các đợt bùng phát dịch bệnh từ đầu năm 2020 đến nay, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đã tiếp tục vận động kinh phí mua kit test nhanh Covid-19 và các trang thiết bị cần thiết (máy thở, đồ bảo hộ y tế, khẩu trang...) để trao tặng các tỉnh, thành phố sử dụng trong công tác phòng chống dịch như Hải Dương, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Bắc Giang, Bắc Ninh, Đà Nẵng, Điện Biên, Thái Bình, Đồng Tháp, Bình Dương, Phú Yên, Đồng Nai, Cần Thơ, Bến Tre, Khánh Hòa, Bình Thuận, An Giang, Ninh Thuận, Long An. Sau đó là hàng loạt chương trình như “giải cứu” nông sản cho bà con nông dân, trao trang thiết bị y tế cho các bệnh viện, tặng xe cứu thương, nấu 100.000 suất ăn chất lượng tặng tuyến đầu chống dịch, rồi ATM gạo, ATM ô xy, ATM F0 chống dịch, ATM túi thuốc cứu người, ATM nhân lực tiêm vắc xin, siêu thị 0 đồng, tới đây là ATM Hiến máu cứu người, ATM Yêu thương…
Nói chung cái gì thiết thực, cứu nước, cứu người được là làm với phương châm A là an sinh, T là tận tâm, M mau chóng. Đến nay tổng các chương trình mà Hội triển khai khoảng 60 tỉ đồng, chưa tính các hội địa phương và các câu lạc bộ trong Hội.
Một đóng góp nữa theo tôi cũng hết sức quan trọng là những đề xuất cho lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ban ngành ý tưởng liên quan đến việc ứng phó với đại dịch. Đặc biệt, với vai trò là thành viên Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đã tham gia tích cực đóng góp ý kiến, phản ánh các nhu cầu, nguyện vọng của doanh nhân trẻ đối với các cấp có thẩm quyền về những vướng mắc... Một trong những đề xuất của Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam liên quan đến việc cho phép lùi thời hạn trả nợ gốc và lãi khoản vay đến tháng 6.2022 mà không bị phạt và đưa vào nhóm nợ xấu đã được Ngân hàng Nhà nước ghi nhận và phúc đáp phù hợp với chủ trương của ngân hàng.
Anh Đặng Hồng Anh trực tiếp có mặt trong mọi hoạt động thiện nguyện của Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam
Các Hội Doanh nhân trẻ địa phương cũng thường xuyên tổ chức cà phê doanh nhân với sự tham gia của lãnh đạo tỉnh dưới nhiều hình thức linh hoạt và đa dạng để lãnh đạo tỉnh có thể nắm bắt được tình hình của doanh nghiệp, từ đó đưa ra các giải pháp thiết thực nhằm khắc phục những hạn chế, khó khăn mà doanh nghiệp đang gặp phải. Khuyến khích hội viên ưu tiên sử dụng sản phẩm, dịch vụ của nhau thông qua việc đăng ký và đưa các sản phẩm, dịch vụ của hội viên giới thiệu trên app Doanh nhân trẻ Việt Nam, các kênh kết nối nội bộ của Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam (Facebook, Zalo, Viber...) nhằm hỗ trợ kết nối giao thương và kết nối đầu tư cho các doanh nghiệp hội viên...
Dịch kéo dài đã gần 2 năm, người dân, doanh nghiệp đều đã kiệt sức... Làm thế nào để huy động nguồn lực cho nhiều chương trình như vậy, anh có thể chia sẻ kinh nghiệm của mình trong việc này?
(Cười lớn). Thì mình phải tham gia đầu tiên thôi, cả vật chất và con người. Mình là người đứng đầu của tổ chức, là người phát động nên khi đưa ra các chương trình, mình phải làm gương. Nếu không sẽ không ai theo, không ai tin và từ đó không ai ủng hộ. Muốn huy động hiệu quả thì phải có hành động cụ thể, chứ kêu gọi suông thì ít ai đi theo.
Chính vì vậy, mỗi khi bàn bạc kế hoạch hoặc có ý tưởng thiết thực thì triển khai ngay và luôn. Tất nhiên khi đó mình phải là người tiên phong ủng hộ cả về kinh phí, con người. Khi đó các hội viên có người ít, người nhiều sẽ cùng chung sức làm vì cộng đồng, tập hợp lại thành sức mạnh tập thể.
Có điều rất may mắn là tất cả anh em trong Hội đều tin tưởng và ủng hộ nên chúng tôi mới triển khai được nhiều chương trình thiện nguyện trong suốt gần 2 năm qua.
TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung đang lên lộ trình mở cửa trở lại, quan điểm của anh về việc này như thế nào?
Gần 2 năm khi đại dịch Covid-19 xảy ra, những ngành nghề như giao thông vận tải, du lịch, nhà hàng khách sạn, tổ chức biểu diễn... đã phải hứng chịu những tổn thất lớn chưa từng có. Các công ty đã phải đóng cửa, đồng thời tạm ngưng tất cả các hoạt động kinh doanh trên toàn quốc.
Chính vì vậy, việc nới lỏng giãn cách giống như liều thuốc “cứu sinh” đối với doanh nghiệp. Cộng đồng doanh nghiệp mong mỏi từng ngày để được quay lại thị trường với một diện mạo mới chuyên nghiệp và hiệu quả hơn. Tôi tất nhiên cũng không ngoại lệ.
Anh có thể cho biết, sức khỏe của các doanh nghiệp trong Hội nói riêng và cộng đồng doanh nghiệp nói chung ở thời điểm hiện tại ra sao?
Như tại hầu hết các quốc gia khác, các doanh nghiệp trong nước tùy vào ngành nghề, quy mô, cấu trúc chi phí, sản phẩm dịch vụ, mô hình kinh doanh, địa bàn hoạt động, cơ cấu vốn mà mức độ ảnh hưởng sẽ rất khác nhau. Chẳng hạn lĩnh vực năng lượng, đặc biệt là điện gió. Bản thân tôi cũng đã đề xuất Chính phủ cho phép lùi thời hạn áp dụng giá FIT cho các dự án điện gió đủ điều kiện thêm 6 tháng đến hết ngày 30.4.2022. Bởi do tác động của đại dịch đã gây ra không ít khó khăn như tắc nghẽn chuỗi cung ứng, hạn chế sự di chuyển của nhân công, ảnh hưởng nghiêm trọng tiến độ thi công của các dự án.
Còn ngành du lịch dự báo sẽ có một quá trình M&A lớn. Điều này cũng khá tích cực vì cơ sở hạ tầng như nhà hàng - khách sạn - khu vui chơi... sẽ được đầu tư đồng bộ, chuyên nghiệp nhằm tạo ra các hệ sinh thái du lịch - vừa mang lại hiệu quả cho nhà đầu tư vừa cung cấp chất lượng dịch vụ, trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng.
Hay ngành bất động sản trong trung và ngắn hạn có thể sẽ có một cơn khủng hoảng nhẹ do nhu cầu bất động sản mặt tiền cho thương mại dịch vụ giảm xuống (do một tỷ lệ khách hàng chuyển sang kênh online), giá cho thuê có thể sẽ trở nên thấp hơn. Bất động sản văn phòng cũng sẽ có xu hướng giảm khi các doanh nghiệp có xu hướng giảm nhân sự hoặc giảm làm việc tại văn phòng mà chuyển sang làm việc từ xa... Như tôi vừa nói ở trên, mỗi ngành sẽ có sự ảnh hưởng khác nhau nên sức khỏe khác nhau...
ATM ô xy, một trong những hoạt động ATM của Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam hỗ trợ người dân trong đại dịch Covid-19. Ảnh: Đình Sơn
Cụ thể doanh nghiệp của anh, Tập đoàn TTC thì sao?
Cũng như các doanh nghiệp khác tại Việt Nam, Tập đoàn TTC cũng bị ảnh hưởng trong thời gian qua. Tuy nhiên, nhờ dự báo được khó khăn nên từ đầu năm 2020, TTC đã tái cấu trúc mọi hoạt động của doanh nghiệp, đặc biệt là quản trị doanh nghiệp. Chúng tôi cũng đã tạo được những khoản dự phòng, dự trữ bắt buộc để có thể sử dụng trong đại dịch. Dù doanh nghiệp lớn hay nhỏ, chỉ cần tuân thủ nguyên tắc đó thì trước những cơn khủng hoảng như hiện nay, chỉ khiến doanh nghiệp bị ảnh hưởng chứ không suy kiệt. Cho nên, cần bắt buộc đối diện với tình hình thực tế, sớm thu gọn bộ máy, chờ trạng thái bình thường mới trở lại.
Theo anh, để trở lại hoạt động an toàn lúc này, cần những điều kiện gì?
Diễn biến dịch Covid-19 kéo dài đã khiến các doanh nghiệp phải đối mặt với những thách thức như chi phí đầu vào, chi phí vận chuyển ngày một tăng cao, rồi tình trạng thiếu hụt nguyên liệu sản xuất... Ngoài ra, các doanh nghiệp còn phải chịu các chi phí liên quan đến phòng, chống dịch như chi phí xét nghiệm, chi phí đầu tư để đáp ứng các điều kiện về kiểm soát an toàn dịch bệnh, chi phí duy trì hoạt động sản xuất tại chỗ.
Đặc biệt, sau thời gian dài giãn cách xã hội nghiêm ngặt, yêu cầu phục hồi kinh tế đã trở nên cấp bách khi nhiều động lực tăng trưởng đang chịu tác động mạnh của dịch bệnh. Dĩ nhiên, doanh nghiệp cũng ý thức được việc mở cửa cần thực hiện thận trọng theo lộ trình tương ứng với tình hình kiểm soát dịch bệnh và tỷ lệ tiêm chủng vắc xin.
Nói thế không phải chỉ có một gam màu tối. Bên cạnh những khó khăn hiện hữu, “điểm sáng” trong đại dịch lần này là việc đẩy mạnh số hóa. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn chính là con người, con người và con người. Điều quan trọng nhất vẫn là tập trung cho hoạt động tiêm vắc xin, vừa phục hồi sản xuất kinh doanh vừa phải bảo đảm an toàn về sức khỏe, tính mạng cho công nhân lao động.
Để giúp được người khác, bản thân các doanh nghiệp trong Hội phải khỏe. Ở góc độ Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, anh có đề xuất các cơ chế, chính sách gì để hỗ trợ, tiếp sức, tái hồi phục cho cộng đồng doanh nghiệp nói chung?
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, 7 tháng đầu năm 2021, có gần 80.000 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm 2020, bao gồm: gần 40.300 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước; 28.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 28,6%; 11.400 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 27,4%. Những con số này cho thấy, doanh nghiệp hiện nay đang gặp vô vàn khó khăn.
Để giúp họ “khỏe”, thiết nghĩ Chính phủ cần chỉ đạo các ngân hàng phải khoanh nợ, giãn nợ để doanh nghiệp không bị nhảy nhóm nợ, biến thành nợ xấu và sau đó có một lý lịch tài chính “dính vết”, sau này khó vay vốn làm ăn. Song song đó, xem xét giảm thuế, phí... để những công ty còn có doanh thu, lợi nhuận có dư địa tái hồi phục. Đặc biệt, Chính phủ, các bộ ngành và địa phương đẩy nhanh hơn việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính để bù lại khoảng thời gian qua đã không làm được gì vì dịch bệnh.
Những giải pháp này cần phải được thực hiện đồng bộ thì mới phát huy hiệu quả tốt nhất trong bối cảnh hầu hết các doanh nghiệp đều đã kiệt quệ vì dịch bệnh.
Được Thủ tướng tặng bằng khen Kể từ tháng 3.2020, khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố Covid-19 là đại dịch toàn cầu và làn sóng Covid-19 đầu tiên lan đến Việt Nam, với tinh thần tiên phong, sẵn sàng “chung tay vì cộng đồng” của doanh nhân trẻ, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đã đồng hành với Chính phủ và nhân dân cả nước trong công tác đẩy lùi dịch bệnh Covid-19, với tổng số tiền ủng hộ qua các đợt bùng phát của dịch bệnh là hàng chục tỉ đồng. Với những đóng góp ý nghĩa đó cho cộng đồng và xã hội, năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã tặng Bằng khen cho Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam và cá nhân anh Đặng Hồng Anh vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác phòng chống dịch Covid-19. |
Nguồn: Báo Thanh Niên