Tin tức

Giải pháp cấp bách tạo dòng tiền mới trong khủng hoảng

Đối với các doanh nghiệp, việc tạo ra dòng tiền mới chính là chìa khóa để sống sót trong khủng hoảng Covid-19.

chu-tich-dang- van-thanh-toa- dam-dong-tien. jpg

Ông Đặng Văn Thành chia sẻ kinh nghiệm thương trường trong "Tọa đàm trực tuyến: Gỡ khó dòng tiền cho doanh nghiệp thời khủng hoảng" do TheLEADER phối hợp với Tập đoàn TTC

“Mỗi người dân, mỗi cơ sở sản xuất kinh doanh hãy thiết lập trạng thái bình thường mới, vừa đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, vừa chống dịch”. Câu khẩu hiệu đó đang trở thành lời hiệu triệu, nhất là với doanh giới, khi khó khăn đang lộ diện tới đáy và tài chính đã bắt đầu cạn kiệt, tâm lý nhà đầu tư thận trọng và muốn bảo toàn tài khoản, sắc đỏ vẫn chiếm thế áp đảo trên bảng điện tử thị trường chứng khoán…

Làm thế nào để duy trì sản xuất kinh doanh trong và sau đại dịch để tạo ra sản phẩm mới, dòng tiền mới là bài toán sống còn của nhiều doanh nghiệp hiện nay.  

Chia sẻ với gần 700 doanh nghiệp tại Tọa đàm trực tuyến "Gỡ khó dòng tiền cho doanh nghiệp thời khủng hoảng" do TheLEADER phối hợp với Tập đoàn TTC, John & Partners, Base.vn tổ chức, Chủ tịch Tập đoàn TTC Đặng Văn Thành cho rằng, khủng hoảng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 gây ra hiện nay chưa thể lường trước được hệ luỵ. 

Cứ khoảng 10 năm sẽ diễn ra một cuộc khủng hoảng và luôn có quy luật đào thải. Các doanh nghiệp có công tác quản trị tốt sẽ có ảnh hưởng ít nhiều nhưng không bị suy kiệt và ngược lại. 

Trong thời điểm hiện tại, làm thế nào giúp doanh nghiệp trụ lại và vượt qua khủng hoảng, góp phần phục hồi nhanh nền kinh tế, theo ông Thành là giải pháp cấp bách nhất cần sự chung tay của cả Chính phủ, doanh nghiệp và cộng đồng. 

Đối với các doanh nghiệp, việc tạo ra dòng tiền mới chính là chìa khóa để sống sót trong khủng hoảng Covid-19.  

“Nhà nước đang kêu gọi ngân hàng giảm lãi nhưng theo tôi là không cần thiết, cần có các giải pháp mạnh, mang tính chất liên ngành. Lúc này phải có giải pháp tình thế, vì có những cái liên quan đến luật pháp như giãn, giảm lãi, nợ, thuế... nếu không có biện pháp tức thời sẽ khiến doanh nghiệp rơi vào nguy cơ phá sản", ông Thành nói.  

Theo ông Thành, thị trường tài chính vẫn là cột sống để duy trì nền kinh tế nhất là trong bối cảnh khủng hoảng. Trong thời điểm thị trường chứng khoán đang lao dốc như hiện nay, ông Thành cho rằng, việc bán giải chấp (force sell) theo lập trình sẵn có chỉ tạo thêm nguồn cung dư thừa trên thị trường. Lúc này, rất cần sự chủ động từ phía các công ty chứng khoán, cần gặp gỡ, trao đổi để tháo gỡ khó khăn với khách hàng là các tổ chức, cá nhân có sử dụng giao dịch ký quỹ. 

Chủ tịch TTC cho biết đã đích thân gặp các công ty chứng khoán có cổ đông của tập đoàn sử dụng giao dịch ký quỹ để làm việc và phân tích về các giải pháp như chấp nhận những tài sản thông thường không được chấp nhận để bổ sung vào ký quỹ, chấp nhận sự bảo lãnh tín chấp của ông Thành trên cương vị là chủ tịch tập đoàn, tăng tỷ lệ ký quỹ lên, hoặc nếu thanh lý thì thanh lý cho chính chủ và phân kỳ ra để họ trả dần. Với những giải pháp đã đặt ra, các công ty chứng khoán có phản ứng tích cực và đồng tình ngay với giải pháp tăng tỷ lệ ký quỹ. 

“Qua đó để thấy, mọi chuyện cần có những giải pháp tình thế. Trong thờibuổi dịch bệnh, không nên đưa vào các giải pháp cứng nhắc”, ông Thành nói . 

Từng đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng trong hơn bốn thập kỷ kinh doanh trên thương trường, chia sẻ về kinh nghiệm gọi vốn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, ông Thành cho biết, lãi suất cao thực sự là một gánh nặng cho các doanh nghiệp Việt.  

Trước năm 2003, khi Việt Nam chưa có thị trường vốn mà phải phụ thuộc hết vào thị trường tiền tệ, các doanh nhân phải nỗ lực, linh động huy động các nguồn tiền nhàn rỗi để phục vụ nền kinh tế. Các nước phát triển không định hướng tiền nhàn rỗi vào tiết kiệm mà định hướng cho đầu tư, từ đó tạo cơ hội cho rất nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là khởi nghiệp. 

Năm 2003, công ty quản lý quỹ đầu tiên ra đời tại Việt Nam do Sacombank thành lập, tạo nên cơ hội gặp gỡ giữa các nhà đầu tư và các doanh nghiệp cần vốn, đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp. Tuy nhiên, cũng có những may rủi, do đó, ông Thành cho rằng phía nhà nước cần ban hành các luật liên quan, các doanh nghiệp nên minh bạch hoá vấn đề báo cáo tài chính để tiếp cận nhiều dòng vốn thay vì chỉ phụ thuộc vào ngân hàng.  

Vào thời điểm xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính 2008 - 2009 cũng là lúc ông Thành còn làm Chủ tịch ngân hàng Sacombank, ông đã chủ động mời khách hàng lớn đến dự họp và cam kết tiếp tục tài trợ và giãn lãi, củng cố niềm tin cho các doanh nghiệp. 

Muốn gọi được vốn, nguyên tắc trước tiên là phải minh bạch hoá tài chính của mình để tiếp cận với nhiều nguồn vốn, đặc biệt là công khai minh bạch tài chính với các cổ đông. 

Khi gặp khó, các doanh nghiệp nên chủ động tìm nguồn vốn ở các quỹ mạo hiểm. Hay trong khó khăn như hiện nay, doanh nghiệp nên dùng "lương khô" trước vì không thể trách được sự dè dặt của các ngân hàng trong vấn đề cho vay. Các cơ quan quản lý nhà nước cần quan tâm hơn đến thị trường vốn là nơi mà những người có nhu cầu đầu tư không chuyên cũng có thể tham gia, tránh để xảy ra tình trạng méo mó. Những cơn biến động như hiện nay đặt doanh nghiệp vào tình thế bị động, nếu tiếp cận được thị trường vốn thì sẽ không quá khó khăn. 

Cơ hội đón nhận sự chuyển dịch lớn của dòng vốn thế giới 

Nhận định về những cơ hội giúp Việt Nam bật lên sau đại dịch, ông Thành nhấn mạnh đến sự dịch chuyển lớn của dòng vốn thế giới về Việt Nam. Sau đại dịch có sự chuyển đổi rất lớn về thói quen, sinh hoạt, văn hoá …. Về kinh tế, với sự chuyển dịch của 5 con rồng châu Á cũng như việc tái khởi động cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, Mỹ đang khởi động chiến lược thay đổi lớn.  

Việt Nam cũng nên thay đổi đầu vào và đầu ra, mở rộng thêm thị trường xuất khẩu cũng như cơ cấu lại thị trường nhập khẩu để đón nhận sự chuyển dịch lớn của dòng vốn thế giới. Đây là cơ hội lớn, doanh nhân Việt Nam nên lạc quan để chuẩn bị, đừng quá bi quan. 

Thời điểm này cũng là cơ hội thay máu doanh nghiệp, để các doanh nghiệp chuẩn hóa các mô hình, phương thức quản trị, quản lý nhằm phát triển bền vững hơn. Các doanh nghiệp cần kiểm soát được chi phí, đặc biệt là thông qua việc định biên nhân sự một cách hiệu quả, có thể hiểu là việc xác định một số lượng nhân sự với những điều kiện phù hợp về phẩm chất cá nhân và tri thức để có thể đáp ứng những khối lượng công việc cho một vị trí cụ thể trong tương lai.  

Vấn đề nhân sự tại các doanh nghiệp còn khá nhức nhối và thậm chí có thể nói là vấn nạn ở Việt Nam khi việc định biên các doanh nghiệp vẫn làm thường không đạt kết quả như mong muốn. Quỹ lương lớn nhưng thu nhập cá nhân lại khiêm tốn, trong khi các nước phát triển thì ngược lại. 

Nhiều doanh nghiệp đang áp dụng trả lương theo giờ, đó là một biện pháp hay. Chính những trưởng phòng và các cửa hàng trưởng phải coi đây là cơ hội để họ nhận thức lại. Đã là doanh nghiệp thì phải kiểm soát được chi phí mới kiểm soát được thị trường.  

Muốn kiểm soát được chi phí một cách hiệu quả, theo ông Thành, lãnh đạo doanh nghiệp phải nhận thức được và sớm áp dụng công nghệ, số hoá... để định biên lại, xây dựng sơ đồ bộ máy tinh gọn, cởi trói cho quan điểm xưa nay trong câu nói “thừa mà thiếu, thiếu mà thừa”, đồng thời giúp doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả hơn. Dịch Covid-19 chính là một lời cảnh tỉnh, cũng là một cơ hội tốt để thay đổi tư duy về nhân sự.  

Mặt khác, khủng hoảng dịch bệnh theo Chủ tịch TTC cũng là cơ hội để các doanh nghiệp mạnh dạn hơn trong chuyển đổi số.  

"Công nghệ thông tin bây giờ có thể coi là một giáo phái, tín đồ rất đông. Mỗi người hiện nay đều xem điện thoại như vật bất ly thân. Thương mại điện tử đang bùng lên, tôi đang đặt hàng cho bộ phận kinh doanh triển khai nhanh nhưng cần tính đồng bộ vì mở sàn thì dễ nhưng ai vào, phân phối ra sao. Tôi cho rằng các doanh nhân nên động viên, hưởng ứng cùng tham gia để tạo một kênh cung ứng thương mại phù hợp với xu thế. Hiện các bộ phận của TTC chuyển sang thương mại điện tử một cách tự nhiên, đây là con đường tất yếu phải tham gia. Sản phẩm đường túi, đường phèn, đường que đang thách thức, TTC Sugar đang tìm đối tác để triển khai được thương mại điện tử. Chúng tôi đang mời một chuyên gia hàng đầu thế giới về thương mại điện tử về để giúp TTC triển khai cho 4 ngành”, ông Thành nói. 

Đánh giá tình hình kinh doanh trong 3 đến 6 tháng tới, ông Thành cho rằng, các doanh nghiệp Việt nên tập trung vào thị trường nội địa. Doanh nghiệp nào chưa có thị trường nội địa thì nên tập trung vào sân nhà, quay trở lại tổ chức nhu cầu sản phẩm, mạng lưới phân phối, để chờ cơ hội hấp thụ làn sóng “Trung Quốc+1”. 

"Để trụ lại thị trường mà không bị đào thải, sản phẩm - dịch vụ phải thế nào để thu hút khách nội địa? Với các ngành sản xuất, đầu vào phải cơ cấu lại để không quá lệ thuộc vào Trung Quốc. Tôi vẫn lạc quan, hồi phục kinh tế Việt Nam tất nhiên có độ trễ, có thể phải sang 2 quý cuối năm, bởi mới chỉ khống chế được dịch và đang phục hồi từng phần. Theo tôi nên chia ra công ty ra thành những bộ máy nhỏ hơn, nhanh hơn, uyển chuyển hơn để có ô xy mà thở trong lúc nguy nan này”, Chủ tịch TTC khẳng định.  

Chiến lược của TTC  

Với quy mô một tập đoàn đa ngành, ưu thế của TTC về dòng tiền lúc này thể hiện rất rõ nhờ chiến lược đa ngành, “không bỏ trứng vào 1 rổ”.  

TTC đã trải qua 41 năm phát triển, từng đối diện với nhiều cuộc khủng hoảng kinh tế như 1997, 2008, nhưng thực sự khủng hoảng dịch Covid lần này quá bất ngờ và còn kéo dài, hậu quả rất lớn và cả thế giới cũng chưa lường hết được. 

TTC là tập đoàn đa ngành, về du lịch cũng tạm thời ngủ đông, cô đọng trở lại, đây là dịp để cán bộ được đào tạo lại, nhân viên được duy tu, bổ dưỡng. Lĩnh vực địa ốc cũng vậy. 

May mắn của TTC là ngành mía đường thuộc về lĩnh vực lương thực, thực phẩm phục vụ nhu cầu thiết yếu của con người nên trong đại dịch không ảnh hưởng mà còn tăng trưởng tốt, chiếm khoảng 50% sản lượng của cả nước. TTC Sugar vừa xuất khẩu vừa cung ứng cho nội địa khoảng 96 nghìn tấn đường trong tháng 3 và 106 nghìn tấn trong tháng 4/2020, dự kiến tiếp tục tăng trưởng cao vào cuối năm nay. 

Chia sẻ về chìa khóa thành công trong ngành mía đường, ông Thành cho biết, tập đoàn liên tục nghiên cứu - phát triển (R&D) để đưa ra những sản phẩm mới mà thị trường cần, nhất là khi Thái Lan đang hạn chế lại sản lượng mía đường do bị ảnh hưởng về vấn đề khí hậu. Đây là cơ hội để TTC có thể tận dụng, đưa ngành mía đường của Việt Nam sánh vai với các thị trường lớn trong khu vực. 

Ngành mía đường trước đây Nhà nước rất lo vì giá đường nhập khẩu có lúc rẻ hơn giá đường trong nước, cạnh tranh gay gắt với đường nhập lậu và đường Thái Lan. Nhưng TTC đã chứng minh rất rõ bằng chiến lược đầu tư nông nghiệp bền vững cho cây mía và các sản phẩm đường sạch, đường oganic có thương hiệu, chống lại hữu hiệu với đường “dây thun”( đường bẩn đựng trong bao nilon buộc bằng dây thun) tràn ngập thị trường. TTC cam kết tiếp tục đầu tư cho ngành mía đường, vì có lợi thế thị trường nội địa với hơn 90 triệu dân, để ngành đường được công nghệ hiện đại hoá, biến sản phẩm thô thành sản phẩm công nghệ cao… 

Đối với lĩnh vực năng lượng, TTC có thể phát triển năng lượng tái tạo từ bã mía, năng lượng mặt trời gần như không ảnh hưởng, chỉ có thuỷ điện chịu ít nhiều tác động bởi khí hậu… 

Đại dịch cũng là dịp để các doanh nghiệp tự nhìn lại mình, xác định rõ đâu là thế mạnh cốt lõi, đâu là ngành cần phải kiên quyết cắt bỏ, tránh đầu tư dàn trải, tối ưu chi phí. Nhiều tập đoàn thế giới đã đưa ra quyết định vô tiền khoáng hậu, từ bỏ hẳn ngành nghề cũ đã đem lại doanh thu, danh tiếng của mình để chuyển hướng sang ngành nghề mới, chiến lược cũng ứng biến hết sức linh hoạt. 

Với TTC, đây cũng là dịp để tái cơ cấu mô hình đa ngành, nâng cao sức cạnh tranh cho chính mình, tạo nên dòng tiền mới với biên độ thị trường rộng lớn hơn.  

Từ 2016-2020 TTC đã tập trung thay đổi cơ cấu, từ tập đoàn với 5 ngành chủ đạo là mía đường, bất động sản, năng lượng, du lịch, giáo dục, chuyển dịch thành 4 ngành cơ bản, trong đó 2 ngành chủ lực là mía đường và năng lượng. Ngành mía đường hiện vẫn đóng góp rất lớn trong doanh thu. Năm năm về trước TTC đã quan tâm nghiên cứu năng lượng tái tạo, năng lượng gió, hy vọng đến 2025 ngành năng lượng sẽ dẫn vị trí đầu bảng tạo ra dòng tiền cho tập đoàn.  

"Năm nay TTC kết thúc chiến lược 2016-2020, lại rơi vào tình huống dịch bệnh này, cái khó ló cái khôn, khiến mình trưởng thành hơn. Tôi yêu cầu các tư lệnh ngành của TTC có ý tưởng phù hợp với thay đổi ngẫu nhiên này, để TTC có thể xây dựng bức tranh 2020-2026 khác đi”, ông Thành cho biết thêm. 

Nguồn: The Leader

tin liên quan

JAMONA HEIGHTS
JAMONA CITY
CARILLON 2
CARILLON 7
CHARMINGTON
https://ttcland.vn/
https://ttcland.vn/catalog/view/theme/