Trong hội nhập kinh tế quốc tế, ngành mía đường Việt Nam đang bị "đuối sức". Tái cơ cấu toàn diện, triệt để từ khâu nguyên liệu, chế biến đến phân phối lưu thông là yêu cầu cấp thiết để ngành mía đường phát triển bền vững.
Mặc dù thực tế hiện nay, một số doanh nghiệp và nhà máy đường ở Việt Nam không thua kém thế giới về công nghệ, chất lượng sản phẩm... Song xét tổng thể, năng lực cạnh tranh, trình độ phát triển ngành mía đường Việt Nam vẫn còn tụt hậu khá xa so với thế giới.
Cần đa dạng hóa các sản phẩm từ đường.
Quá trình hội nhập quốc tế đang tạo ra những cơ hội cho doanh nghiệp mía đường Việt Nam tham gia thị trường thế giới, tiếp cận đối tác mới, tiếp thu công nghệ, nâng cao trình độ quản trị…, song cũng đặt ra không ít thách thức cạnh tranh. Ông Phạm Quốc Doanh - Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam - khẳng định: Áp lực lớn nhất với ngành mía đường Việt Nam hiện nay là năng lực cạnh tranh yếu. Xét về trình độ công nghệ, chất lượng sản phẩm, năng suất, chất lượng đường, mía…, thì một số nhà máy và doanh nghiệp đường Việt Nam không thua kém, nhưng nhìn tổng thể toàn ngành thì trình độ phát triển, năng lực cạnh tranh còn thấp khá xa so với thế giới.
Đánh giá về trình độ phát triển ngành mía đường Việt Nam, ông Ngô Quang Tú - Trưởng phòng Chế biến và bảo quản nông sản (Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - cho biết: Thế giới có 131 nước sản xuất mía đường, trình độ của Việt Nam chỉ ở mức trung bình thấp. Nếu so sánh với các nước có ngành mía đường phát triển như Thái Lan, Brazil… thì Việt Nam còn thua xa. Cụ thể, giá thành sản xuất mía Việt Nam khoảng 900.000 đồng/tấn, nhưng của Thái Lan chỉ 600.000 đồng/tấn; chất lượng mía Việt Nam mới đạt trên dưới 10 chữ đường (CCS), trong khi trung bình thế giới là 12 - 14 CCS, thậm chí cao hơn; giá thành sản xuất đường của Việt Nam cao hơn Thái Lan từ 1.500 - 2.000 đồng/kg; năng suất mía bình quân của thế giới khoảng 70 - 80 tấn/ha, Việt Nam năm 2018 mới đạt bình quân 66 tấn/ha; năng suất thu hồi đường từ mía của thế giới trung bình là 10 tấn đường/ha mía, Việt Nam mới đạt bình quân 5 - 6 tấn/ha mía.
Theo các chuyên gia, công suất giúp các nhà máy đường phát huy hiệu quả kinh tế thông thường là 6.000 tấn mía/ngày trở lên, thì tại Việt Nam, trong 41 nhà máy đường, chưa đến 10 nhà máy có công suất từ 6.000 tấn mía/ngày, 17 nhà máy có công suất từ 2.000 - 3.000 tấn mía/ngày,10 nhà máy chỉ đạt công suất từ 800 - 1.000 tấn mía/ngày... Ông Ngô Quang Tú khẳng định, số nhà máy thì nhiều, nhưng năng lực ép mía thấp khiến chất lượng mía bị giảm, tổn thất sau thu hoạch cao… do không đưa nguyên liệu vào sản xuất kịp thời.
Đến nay, Việt Nam vẫn chỉ loay hoay với việc sản xuất ra đường tinh luyện (RE) nhưng sản lượng còn thấp, phần lớn vẫn sản xuất đường trắng (RS), thậm chí còn sản xuất cả đường vàng cấp thấp. Trong khi đó, thế giới đã đa dạng hóa tới 54 sản phẩm từ đường và mía như sản xuất ethanol từ mía, sản xuất điện từ bã mía, sản xuất các sản phẩm vi sinh, dược phẩm... từ đường và phế phụ phẩm mía đường. Ông Phạm Quốc Doanh nhận định: Từ khi Việt Nam chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường, phân phối lưu thông, tiêu thụ đường là khâu yếu nhất của chuỗi giá trị mía đường Việt Nam. Rất ít nhà máy đường liên kết với các khách hàng sản xuất công nghiệp thực phẩm sử dụng đường đầu vào. Hầu hết, đường từ các nhà máy chỉ tiêu thụ qua trung gian thương mại, khiến chi phí tăng và giá đường trên thị trường bị đẩy lên cao.
Năng lực cạnh tranh yếu kém, giá thành sản xuất mía và đường cao, khâu lưu thông phân phối phụ thuộc trung gian…, nhiều nhà máy đường gần đây đã không bán được hàng, tồn kho cao, dẫn đến hoạt động không hiệu quả, thua lỗ, có nguy cơ phải đóng cửa hoặc phá sản, kéo theo những hệ lụy lớn về việc làm, thu nhập của không ít người trồng mía.
Ông Phạm Hồng Dương - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thành Thành Công - Biên Hòa: Xét về nội lực, giá thành sản xuất… một số doanh nghiệp, nhà máy đường Việt Nam có đủ khả năng hội nhập quốc tế, nhưng phần lớn còn lại là yếu kém. Nếu không có biện pháp cải thiện thì mía đường Việt Nam sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt. |
Nguồn: Báo Công Thương