UBND TP.HCM đánh giá, nguồn thu từ đất đai và BĐS đóng góp rất lớn vào ngân sách, góp phần tích cực phát triển kinh tế thành phố.
Mới đây, trong báo cáo sơ kết 2 năm thực hiện Chương trình nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh của kinh tế TP.HCM nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập giai đoạn 2016 - 2020, UBND TP.HCM đánh giá, đối với ngành kinh doanh bất động sản (BĐS), nguồn lực đất đai được thành phố khai thác sử dụng ngày càng hiệu quả hơn, thu hút số lượng lớn vốn đầu tư của nhiều thành phần kinh tế.
Đáng nói, nguồn thu từ đất đai và BĐS đóng góp rất lớn vào ngân sách, góp phần tích cực phát triển kinh tế thành phố.
Theo UBND TP.HCM, thị trường BĐS phát triển trong đó có cả nhà ở đã góp phần rất quan trọng, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu nhà ở của người dân. Trong giai đoạn từ năm 2016 đến nay, diện tích bình quân nhà ở toàn thành phố đã tăng lên đáng kể (từ mức 17,32m2/người năm 2015, nâng lên là 18,82m2/người năm 2017).
Qua đó, BĐS cũng thúc đẩy phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của thành phố; tốc độ đô thị hóa diễn ra rất nhanh; nhiều dự án phát triển đô thị, dự án khu nhà ở, BĐS được đầu tư xây dựng trên địa bàn thành phố, trong đó tập trung phát triển chính ở các hướng Đông, Nam và Đông Nam, phù hợp với định hướng phát triển chung của thành phố, tạo ra sự liên kết mạnh mẽ giữa các khu vực với nhau.
Nguồn thu từ bất động sản đóng góp lớn vào ngân sách TP.HCM.
Hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội từng bước được xây dựng đồng bộ, đảm bảo về chất lượng; sản phẩm nhà ở đa dạng về chủng loại, không chỉ giải quyết khá tốt nhu cầu chỗ ở, nâng cao điều kiện sống cho người dân, mà còn góp phần làm thay đổi diện mạo đô thị, bộ mặt thành phố ngày càng thay đổi theo hướng văn minh, hiện đại.
Bên cạnh đó, hệ thống các khu công nghiệp, khu chế xuất, các công trình hạ tầng kỹ thuật và xã hội, văn phòng, trung tâm thương mại, khách sạn, nhà hàng… cũng phát triển cả về quy mô cũng như tính đồng bộ, hiện đại.
Điều này góp phần quan trọng trong việc tạo lập cơ sở hạ tầng đô thị, cơ sở vật chất kỹ thuật, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư, tạo nhiều việc làm, thu hút nguồn nhân lực lao động, góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thành phố theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Các chủ thể tham gia thị trường BĐS từng bước được hoàn thiện, góp phần cho thị trường phát triển. Đội ngũ các doanh nghiệp kinh doanh BĐS trong nước, cũng như nước ngoài, các đơn vị tư vấn, doanh nghiệp xây dựng; hệ thống dịch vụ hỗ trợ cho thị trường BĐS như các sàn giao dịch bất động sản, hệ thống thông tin, cung cấp dịch vụ tư vấn, môi giới,... tại thành phố ngày càng phát triển về quy mô và chất lượng cao hơn.
UBND thành phố đánh giá cao việc các doanh nghiệp kinh doanh BĐS đã tái cấu trúc doanh nghiệp; tự điều chỉnh cơ cấu kinh doanh, đưa ra các chiến lược phù hợp với tình hình thị trường; ưu tiên đầu tư những dự án có vị trí tốt, hạ tầng giao thông thuận lợi; hướng mạnh vào phân khúc thị trường có khả năng thanh toán như phân khúc bình dân, với mức giá hợp lý phù hợp với nhu cầu thị trường.
Nguồn: VTC