Tại thời điểm 30/9/2022, tổng tài sản TTC Land đạt 9.819 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm. Chiếm tỷ trọng lớn vẫn đến từ hàng tồn kho 2.859 tỷ đồng, chủ yếu là bất động sản dở dang tập trung ở các dự án trọng điểm: Jamona City, TTC Plaza Đức Trọng,...
TTC Land (SCR) vừa công bố BCTC hợp nhất quý 3/2022, ghi nhận doanh thu thuần 78 tỷ đồng, giảm mạnh so với cùng kỳ. Dù vậy, hoạt động tài chính cải thiện và tiết giảm đáng kể chi phí, lãi sau thuế Công ty thu về 22 tỷ đồng, tăng so với con số 9 tỷ hồi quý 3/2021.
Luỹ kế 9 tháng, Công ty đạt doanh thu thuần 574 tỷ đồng, chủ yếu đến từ dự án Carillon 7, cho thuê bất động sản Charmington La Pointe và trung tâm thương mại TTC Plaza, quận Bình Thạnh. Khấu trừ giá vốn, TTC Land ghi nhận lợi nhuận gộp 161,6 tỷ đồng, biên lợi nhuận gộp 28%, cải thiện mạnh so với mức 18% cùng kỳ.
Trong kỳ, TTC Land ghi nhận chi phí bán hàng 56,34 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp 73,3 tỷ đồng, lần lượt giảm 47,8% và tăng 32% so với 9 tháng đầu năm 2021. Chi phí tài chính tăng 23%, ghi nhận 224 tỷ đồng, trong đó chi phí lãi vay 163,8 tỷ đồng, tăng 23,5%, được biết chi phí này gia tăng chủ yếu đến từ khoản đầu tư hợp tác chiến lược nhằm phát triển các sản phẩm bất động sản theo mô hình mới.
Khấu trừ TTC Land ghi nhận lãi trước thuế 183 tỷ đồng, thực hiện 61% kế hoạch ĐHCĐ thông qua.
Tại thời điểm 30/9/2022, tổng tài sản TTC Land đạt 9.819 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm. Chiếm tỷ trọng lớn vẫn đến từ hàng tồn kho 2.859 tỷ đồng, chủ yếu là bất động sản dở dang tập trung ở các dự án trọng điểm: Jamona City, TTC Plaza Đức Trọng,...
Các khoản phải thu ngắn hạn 3.264 tỷ đồng, dài hạn 1.330 tỷ đồng, và đầu tư tài chính dài hạn 1.081 tỷ đồng.
Trong cơ cấu nguồn vốn, tổng nợ phải trả 4.656 tỷ đồng, trong đó tổng nợ vay ngắn và dài hạn 1.850 tỷ đồng, công ty có khoản người mua trả tiền trước hơn 948 tỷ đồng – sẽ được hạch toán vào doanh thu khi dự án bàn giao.
Mới đây, TTC Land cũng có thông báo về việc trả cổ tức tỷ lệ 8% bằng cổ phiếu, ngày đăng ký cuối cùng 26/10/2022.
Nguồn: CafeF