Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (TTC Land) đang trong quá trình tái cấu trúc toàn diện. Ông Nguyễn Đăng Thanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc (CEO) TTC Land chia sẻ: “Tôi thích dùng từ chuyển đổi hơn là tái cấu trúc, bởi bản chất đằng sau tất cả thay đổi đó là sự chuyển đổi về tư duy”. Ông cũng cho rằng, quá trình chuyển đổi là quá trình liên tục, không có điểm dừng.
Theo ông Nguyễn Đăng Thanh, Hội đồng quản trị, Ban lãnh đạo TTC Land không xác định khi nào kết thúc quá trình chuyển đổi, mà thực sự đã khởi động, đã đi vào các ngóc ngách công việc hàng ngày. Thời điểm Công ty đạt trạng thái ổn định và vận hành chỉn chu có lẽ sau 6 tháng nữa (tức 1 năm kể từ ngày ông được bổ nhiệm vào vị trí CEO). Sau đó là giai đoạn gặt hái thành quả, kéo dài trong vài năm, trong vài năm đó sẽ bắt đầu chuẩn bị cho giai đoạn mới.
Ông Nguyễn Đăng Thanh – Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ TTC Land
Mở đầu cuộc trò chuyện, ông Thanh chia sẻ cảm xúc của mình như “yêu từ đầu” đối với TTC Land, cũng giống những lần ông thay đổi công việc trước đây, nhưng nhiều cảm xúc hơn và có trải nghiệm thú vị nhất trong 20 năm làm việc trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, bất động sản. Hào hứng, nhiệt huyết và nhiều ý tưởng, nhưng cũng không tránh khỏi những khó khăn.
“Nói gì thì nói, ngân hàng có hệ thống chỉn chu, còn doanh nghiệp bất động sản lại đòi hỏi vừa nắm bắt các vấn đề pháp lý, dịch vụ, vừa đòi hỏi tốc độ quyết định, xử lý vấn đề rất nhanh”, cựu Phó Tổng giám đốc Sacombank cho biết.
Trước khi đầu quân cho TTC Land, ông Thanh có dự định chuyển sang một lĩnh vực kinh doanh mới hoàn toàn, đó là các mô hình khởi nghiệp (startup) về công nghệ. Nhưng mối “lương duyên” với doanh nhân Đặng Văn Thành, vừa là sếp cũ, vừa như người thầy, mở lời chiêu mộ, đã khiến ông Thanh nhận thấy chưa thể theo đuổi ý định riêng. Kết quả, ông Thanh trở thành “thuyền trưởng” tại TTC Land vào giai đoạn mà ông gọi là “cái rốn của thị trường bất động sản”, tức chính sách, khung pháp lý có sự thay đổi lớn.
Gần 6 tháng trong cương vị mới, ông Thanh nhìn nhận được các thách thức của một doanh nghiệp bất động sản nói chung và TTC Land nói riêng như ở mảng pháp lý dự án, phát triển dự án, công tác liên quan đầu tư…, nhưng khó khăn lớn nhất đối với ông chính là không thực sự kiểm soát được kế hoạch vạch ra.
Trước đây, ở các đơn vị cũ, ông luôn đề ra kế hoạch kèm theo khung thời gian cụ thể và kiểm soát được kế hoạch, vì vậy có thể đoán được phần lớn kết quả, khi kết quả nằm trong định hướng sẽ tạo động lực rất lớn. Nhưng khi tham gia sâu vào TTC Land và lĩnh vực bất động sản, ông Thanh cho hay: “Có quá nhiều yếu tố bên ngoài mà mình không thể hoạch định, dự đoán, tập trung vào vấn đề pháp lý bất động sản. Cơ quan quản lý có sự cẩn trọng, dè dặt hơn với thị trường. Cũng đúng thôi, nhưng nếu đúng ngay từ đầu thì sẽ tốt hơn. Còn bây giờ, giống như mọi thứ đang chạy mà mình thắng gấp thì tất cả mọi thứ bị dồn, bị sốc và phải xử lý những tình huống này”.
Nhiệm vụ trọng tâm trước mắt của ông Thanh là cải thiện, thúc đẩy mảng bất động sản, đóng vai trò quan trọng trong công cuộc tái cấu trúc doanh nghiệp sau thời gian dài mặc “chiếc áo” cũ, không còn phù hợp cho giai đoạn phát triển mới.
Ông Thanh cho rằng, quan điểm tái cấu trúc đang trở nên rõ ràng và mạnh mẽ hơn, cả bên ngoài lẫn bên trong. Điều này đòi hỏi cách làm mới, thay vì có miếng đất, xây chung cư lên bán là xong, thì nay căn hộ, nhà ở phải được đặt trong môi trường sống cộng đồng, tiện ích. Hay nói cách khác, đòi hỏi doanh nghiệp phải có triết lý kinh doanh đằng sau, vững vàng và rõ ràng, mới có thể phát triển bền vững.
Chủ trương của TTC Land tạm thời tập trung vào mảng bất động sản dân dụng, phải làm thật tốt mảng này. Hiện Công ty có 33 dự án lớn nhỏ, trong đó 18 dự án đang hoàn thiện thủ tục pháp lý.
Ông Thanh cho biết, quỹ đất của Công ty sẽ không dừng lại ở 18 dự án đang hoàn thiện, mà cơ hội thị trường còn rất nhiều. Việc phát triển các dự án bất động sản trong tương lai sẽ không theo cách làm cũ (đầu tư từ trước 10 năm), mà có thể trong vòng 3 - 6 tháng sẽ nhận chuyển nhượng dự án. Đây là cách giúp đẩy nhanh các quá trình, hoạt động kinh doanh.
“Cấu trúc tài chính, cấu trúc con người, cấu trúc phương thức hoạt động, vận hành của doanh nghiệp là quan trọng nhất, vì đó là cái lõi. Phải có cái lõi mới làm được việc khác. Tất cả những yếu tố này cần phải làm đồng thời. Tôi thích dùng từ chuyển đổi hơn là tái cấu trúc, bởi bản chất đằng sau tất cả thay đổi đó là sự chuyển đổi về tư duy”, ông Thanh chia sẻ quan điểm.
Về cấu trúc tài chính, các yếu tố quan trọng là cấu trúc nguồn vốn ngắn, trung và dài hạn; đòn cân nợ; dòng tiền. Cụ thể, với cấu trúc nguồn vốn đối với dự án bất động sản, lý thuyết là 3 năm, nhưng thực chất nhiều khi đến 5 năm. Theo ông Thanh, doanh nghiệp phải xây dựng cấu trúc khác, dự phòng (back-up) cho việc đó, hay phải tái cấu trúc tài chính một lần nữa, tức có cơ chế để khi khoản đầu tiên đến hạn thì lập tức có cấu trúc khác hỗ trợ và không bị rơi vào thế bị động. Ngay từ đầu, khi xây dựng kế hoạch tài chính của dự án đã phải làm điều này.
Còn với dòng tiền, yếu tố quan trọng bậc nhất đối với một doanh nghiệp bất động sản, cần bảo đảm độ chính xác cao của dự báo và phải luôn sẵn sàng cho tình huống có trục trặc của dòng tiền vào - ra. Nói cách khác, doanh nghiệp phải thực sự chủ động, vì đến lúc cần tiền mới gặp các tổ chức tài chính - tín dụng sẽ thấy điều kiện không tốt hơn, hoặc thời gian ngắn hạn.
Bình quân mỗi tuần, ông Thanh tiếp 2 - 3 đối tác, trao đổi tất cả các khía cạnh, phương án, đến nay TTC Land mới có những kết quả ban đầu. Nhưng qua các cuộc trao đổi, qua các buổi làm việc, thỏa thuận, biên bản ghi nhớ, ông tin rằng, trong 6 tháng tới sẽ có kết quả rất cụ thể.
Mục tiêu cuối cùng của TTC Land là bảo đảm được lợi ích của cổ đông. Trong thời gian tới, Công ty sẽ chi cổ tức bằng tiền mặt, đến khi các nhà đầu tư thấy được không nhất thiết phải nhận cổ tức bằng tiền mới quay lại việc tạo ra thặng dư, tích lũy cho doanh nghiệp ngày càng lớn mạnh hơn.
Bước vào TTC Land ở thời điểm “nghẽn” về pháp lý bất động sản, có khi nào ông nản chí?
Tại TTC Land đang có chủ trương chung là thực hiện quá trình chuyển đổi. Ngay từ trước khi bước vào doanh nghiệp, tôi đã cảm nhận ngay rằng, trong ít nhất 1 năm đầu, mọi thứ sẽ không dễ dàng. Đương đầu với thử thách thì chắc chắn là mệt, vất vả, nhưng thử thách luôn cho tôi những trải nghiệm hữu ích. Tất nhiên, có nhiều cái phải hy sinh như thời gian với gia đình, kể cả ngày cuối tuần, bởi tôi đang góp sức không dừng ở chuyện mua - bán, mà còn là sự chuyển đổi của một công ty có bề dày 15 năm. Nhìn chung, đây là trải nghiệm thú vị so với 20 năm đi làm trước đó, nhiều cảm xúc hơn.
Thực hiện tái cấu trúc toàn diện, đâu là phần ông thấy khó nhất?
Khó khăn nhất vẫn là tìm được những con người phù hợp với cách thức kinh doanh trong giai đoạn mới của TTC Land. Hiện chúng tôi đang triển khai chương trình tuyển dụng để gia nhập đội ngũ TTC Land, cần nhân sự có khả năng tạo ra sự khác biệt, nhưng phải có định hướng, lý tưởng, quan điểm làm việc giống nhau, nhất là các vị trí cấp cao. Quan điểm của tôi là tạo ra giá trị, nên cần anh em chung chí hướng để cùng nhau tạo ra giá trị cho khách hàng mua sản phẩm, từ đó tạo giá trị cho TTC Land.
Việc TTC Land mới đây thay toàn bộ Ban Tổng giám đốc cũng nằm trong kế hoạch tái cấu trúc nhân sự của Công ty?
Có 2 nhân sự trước đây Tập đoàn TTC cử tham gia hỗ trợ, thì nay quay về Tập đoàn công tác (TTC Land là thành viên của Tập đoàn). Còn các vị trí khác, tôi có trao đổi và sắp xếp lại, do cách làm, quan điểm cũng khác. Quan điểm của tôi là “phải làm đúng ngay từ đầu”, tức những quyết định ngay từ lúc đầu phải chuẩn, để làm được điều này thì tôi lại cần thời gian để biết nhân sự nào có thể làm được việc đó. Nếu không, sẽ có sai sót, sau này có khi quyết định 1 việc lại phải làm thêm 3 việc. Ban đầu sẽ rất vất vả, không cần thiết làm như vậy, nhưng nếu không làm thì những giá trị mà chúng tôi theo đuổi, muốn đưa vào TTC Land sẽ không đạt được.
Điều này có khiến nhân viên Công ty lo lắng và ông giải quyết ra sao?
Chúng tôi triển khai chương trình xây dựng văn hóa doanh nghiệp, cứ 2 - 3 tuần có các cuộc họp để trao đổi cởi mở về định hướng và những điểm cần thay đổi, xác định rõ đây là chiến lược để chuyển đổi và chấp nhận việc không tránh khỏi biến động nhân sự.
Chắc chắn, tôi không thể làm tất cả mọi người hài lòng. Câu hỏi đặt ra, TTC Land trong tương lai sẽ như thế nào là điều mà mọi người cùng phải hướng đến và để làm được thì cần sự đồng lòng, cùng nhìn về một hướng.
Có nhiều hình thức, tôi không chỉ nói lý thuyết, mà đi vào công việc cụ thể, chia sẻ cụ thể, hướng dẫn mọi người, điều chỉnh từ phương thức này sang phương thức khác, cùng làm chung với anh em, giải quyết cùng mọi người.
Mọi vấn đề, mọi khâu tôi đều muốn làm cùng với anh em. Đây không phải là ôm đồm, mà là quay lại nguyên tắc “làm đúng ngay từ đầu”. Sau khi những cán bộ đã vào vị trí, họ đủ khả năng tự quyết định thì tôi sẽ trao quyền toàn bộ. Hy vọng, đến hết năm nay, tôi sẽ đạt được mục tiêu đó.
Định hướng mà TTC Land muốn vươn đến là gì?
TTC Land là doanh nghiệp bất động sản, phải tạo ra uy tín, niềm tin trên thị trường, không chỉ dựa trên bảng quảng cáo, mà niềm tin dựa trên sản phẩm và cách thức cung cấp sản phẩm ra thị trường. Tôi không quá hoài bão, nhưng đang thực hiện từng bước để vươn tới điều đó. Theo đó, sản phẩm nhà ở là yếu tố then chốt, tôi yêu cầu cao hơn về chất lượng, thiết kế… Dĩ nhiên, đó là công việc của từng ban thiết kế, kỹ sư…, nhưng tôi đặt cái đề bài này ngay từ đầu, sao cho trong cùng phân khúc, giá cả phù hợp, nhưng chất lượng phải tốt hơn.
Nguồn: Đầu Tư Chứng Khoán