Tin tức

Bất động sản công nghiệp rộng cửa đón nhà đầu tư

Phân khúc bất động sản công nghiệp đang rất sôi động. Các doanh nghiệp phát triển hạ tầng khu công nghiệp kỳ vọng từ sự tăng trưởng dòng vốn FDI, khi các dự án lớn từ Samsung, LG... được triển khai.

hinhbaichinhtr ang14-15366386 40.jpg

Sự dịch chuyển sản xuất của các doanh nghiệp ngoại sang Việt Nam là động lực cho bất động sản công nghiệp tăng trưởng. Ảnh: H. Dũng

Cung cầu tăng mạnh

Theo nghiên cứu của Jones Lang LaSalle (JLL) Việt Nam, trong nửa đầu năm 2018, diện tích đất công nghiệp vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ đạt 11.366ha, tăng 1.100ha so với cùng kỳ năm 2017. Hiện Hải Phòng và Bắc Ninh chiếm 46% tổng nguồn cung và đồng thời là 2 địa phương có nhiều khu công nghiệp nhất miền Bắc, dẫn đầu trong thu hút vốn đầu tư, với khoảng 18.116ha đất công nghiệp dự kiến được đưa vào sử dụng từ nay cho đến cuối năm 2020.

JLL Việt Nam nhận định, các khu công nghiệp tại khu vực phía Bắc là điểm đến hấp dẫn đối với những doanh nghiệp sản xuất muốn chuyển khỏi Trung Quốc.

Cũng theo JLL Việt Nam, nguồn cung khu công nghiệp phía Nam vào cuối tháng 6/2018 đã tăng cao so với quý IV/2017 với diện tích đất cho thuê khoảng 37.030ha. Phần lớn nguồn cung đến từ Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh và Bình Phước. Các chuyên gia JLL dự báo, hơn 11.940ha nguồn cung cấp đất công nghiệp dự kiến sẽ gia nhập thị trường phía Nam trong 3 năm tới.

Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 8 tháng qua, công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với tổng số vốn đạt 10,72 tỷ USD. Đây là động lực thúc đẩy việc cho thuê khu công nghiệp trong thời gian tới.

Chẳng hạn, theo Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc (KBC), trong nửa đầu năm 2018, KBC đạt doanh thu thuần hơn 1.000 tỷ đồng, lãi ròng đạt 291 tỷ đồng nhờ đóng góp từ 3 khu công nghiệp là Quang Châu, Quế Võ và Tràng Duệ. Theo chia sẻ của KBC, có khoảng 300 công ty vệ tinh cho Samsung, một nửa trong số đó đang đầu tư vào khu công nghiệp Quế Võ (Bắc Ninh).

Tập đoàn LG đã có 3 nhà máy tại khu công nghiệp Tràng Duệ (Hải Phòng) và KBC đang xin giấy phép đầu tư mở rộng khu công nghiệp này (giai đoạn 3) có tổng diện tích 687ha.

Tại khu công nghiệp Quang Châu (Bắc Giang), Samkwang - một doanh nghiệp vệ tinh cấp 1 của Samsung đã thuê 10ha và có thể thu hút thêm các doanh nghiệp vệ tinh cấp 2.

Ở phía Nam, Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp (Becamex IDC) công bố 6 tháng đầu năm 2018, doanh thu thuần đạt 3.494 tỷ đồng, hoàn thành 81% kế hoạch cả năm. Giữa tháng 5, Công ty CP Phát triển Công nghiệp BW (BW Industrial), một liên doanh giữa Quỹ Đầu tư Warburg Pincus và Becamex IDC đã ra mắt tại Bình Dương.

Với số vốn ban đầu khoảng 200 triệu USD, trong đó, đối tác nước ngoài góp 70%, liên doanh mới thành lập này hướng tới việc cung cấp nhà kho hiện đại, nhà xưởng xây sẵn cho thuê, nhà xưởng xây theo yêu cầu của khách hàng và các sản phẩm liên quan đến bất động sản công nghiệp tại khu vực kinh tế, khu công nghiệp trọng điểm để đáp ứng cho các tập đoàn đa quốc gia. Hiện liên doanh đã mua 8 dự án với hơn 2 triệu mét vuông đất công nghiệp ở Bình Dương, Đồng Nai, Hải Phòng, Hải Dương và Bắc Ninh để phục vụ mục tiêu trên.

Các doanh nghiệp phát triển hạ tầng sản xuất nước ngoài trước đây như Amata (Thái Lan), Sembcorp (Singapore) cũng đang gia tăng xây dựng, cung cấp nhà xưởng nhằm đón làn sóng đầu tư nước ngoài tiếp tục vào Việt Nam.

Đơn cử, cuối tháng 3/2018, Tập đoàn Amata Việt Nam đã nhận giấy chứng nhận đăng ký đầu tư để xây dựng một thành phố công nghiệp tại tỉnh Quảng Ninh. Nhà phát triển hạ tầng công nghiệp Thái Lan này cũng đang triển khai dự án mới có diện tích 1.270 ha ở Long Thành, Đồng Nai, trong đó 33% diện tích dành cho phát triển khu công nghiệp.

Động lực bứt phá

Giám đốc điều hành Tập đoàn Warburg Pincus, ông Charles R. Kaye cho rằng Việt Nam đang nhận được nhiều sự chú ý từ các nhà đầu tư nước ngoài vì kinh tế tăng trưởng nhanh. Warburg Pincus tin rằng thị trường bất động sản công nghiệp và dịch vụ hậu cần ở Việt Nam sẽ có tác động rất lớn đến tăng trưởng kinh tế, khi mà nhiều doanh nghiệp dịch chuyển địa điểm sản xuất từ các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản sang Việt Nam. Theo ông Kaye, hiện chi phí lao động ở Việt Nam chỉ bằng một phần tư ở Trung Quốc.

Bà Nguyễn Hồng Vân - Trưởng bộ phận thị trường Hà Nội của JLL chỉ ra những động lực bứt phá của thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam, như có quỹ đất dồi dào so với các nước trong khu vực. Một lợi thế nữa là Việt Nam đầu tư 5,8% GDP vào cơ sở hạ tầng.

Ở góc độ là nhà tư vấn và đầu tư, ông Greg Ohan - Phó tổng giám đốc BW Industrial cho biết, sự bùng nổ trong bất động sản công nghiệp tại Việt Nam đã hiện rõ khi những thương hiệu lớn như Nike hay Adidas trước đây phần lớn nằm ở Trung Quốc thì nay đã chuyển dần về Việt Nam.

"Chính phủ Nhật Bản đang khuyến khích các nhà sản xuất đầu tư ở Việt Nam thay vì đầu tư tại Trung Quốc như trước. Trung Quốc bây giờ có nhiều khó khăn cho công nghiệp sản xuất nước ngoài", ông Greg Ohan nói.

Nguồn: DoanhnhanSaigon

tin liên quan

JAMONA HEIGHTS
JAMONA CITY
CARILLON 3
CARILLON 7
CHARMINGTON
https://ttcland.vn/
https://ttcland.vn/catalog/view/theme/