Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam Đặng Hồng Anh cho rằng gói tín dụng 300.000 tỷ đồng Chính phủ đưa ra rất quyết liệt nhưng vẫn còn vấn đề liên quan đến thực tiễn triển khai.
Doanh nghiệp lao đao trước cơn bão Covid-19
Hồi cuối tháng 3, Tổng cục Thống kê đã ghi nhận con số gần 35.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, là con số kỷ lục từ trước đến nay. Bên cạnh đó, lần đầu tiên sau hàng thập kỷ, số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường cũng lớn hơn số lượng thành lập mới.
Khảo sát mới nhất của Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI gần đây cũng đưa ra những con số đáng lưu ý:
- 85% DN cho biết thị trường bị thu hẹp vì dịch bệnh
- 60% DN thiếu vốn, đứt dòng tiền
- 40% DN thiếu nguồn cung nguyên liệu…
Theo đó, 82% doanh nghiệp cho rằng doanh thu năm 2020 sẽ bị sụt giảm so với năm 2019 và nếu dịch bệnh căng thẳng, 50% doanh nghiệp chỉ trụ được nửa năm.
Đánh giá về các con số thống kê này, ông Đặng Hồng Anh- Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thành Thành Công bình luận:
"Tôi thấy các con số thống kê của VCCI rất gần với thực tế vì Hiệp hội Doanh nhân trẻ chúng tôi cũng đã có một số thống kê tương tự. Tôi nghĩ tất cả doanh nghiệp trên thế giới này mới lần đầu tiên gặp phải cảnh này. Chúng ta không có kinh nghiệm đối phó.
Thực sự là dịch đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Tôi nghĩ doanh nghiệp đã bắt đầu "thấm" rồi. Các ngành nghề như du lịch, hàng không đều đang giảm, sắp tới sẽ là các ngành nghề khác. 2 tháng tới sẽ là ngành ngân hàng, cũng sẽ rất "thấm"."
Theo ông Hồng Anh, trong giai đoạn này, các doanh nghiệp, cơ quan nhà nước phải phối hợp. Đảng và Chính phủ đã có những chính sách mang tầm nhìn xa, chiến lược và đi kèm với thực tiễn để hỗ trợ cho doanh nghiệp.
Thế khó của ngành ngân hàng
Để hỗ trợ cho doanh nghiệp, trong cuộc họp ngày 8/4, Thủ tướng Chính phủ cho biết về gói hỗ trợ tiền tệ, hiện nâng lên khoảng 300.000 tỷ đồng, Thủ tướng nêu rõ tinh thần không để doanh nghiệp thiếu vốn tín dụng, tạo mọi thuận lợi để doanh nghiệp tiếp tục duy trì phát triển sản xuất, kinh doanh.
Đánh giá về gói giải cứu của Chính phủ, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam chia sẻ: "Thực sự tôi đánh giá rất cao sự quyết liệt của Chính phủ và Ngân hàng nhà nước (NHNN). Họ có những giải pháp quyết liệt nhưng vẫn còn vấn đề liên quan đến thực tiễn".
Theo ông Đặng Hồng Anh, về thực tiễn trong doanh nghiệp hiện cần có giải pháp thực tế hơn. Doanh nhân này cho rằng kể cả có thể NHNN nên có kênh SOS cho doanh nghiệp. Nguyên nhân bởi ngân hàng cũng là một doanh nghiệp. Giảm lãi hay giãn nợ cũng ảnh hưởng đến hiệu quả của ngân hàng.
Đầu tiên là xung đột lợi ích, nhưng vì đây là chủ trương chung của các lãnh đạo ngân hàng, là chia sẻ với đất nước và cộng đồng doanh nghiệp, thì họ đã có chính sách tiết giảm lợi nhuận trong năm nay. Các ngân hàng đứng trước bài toán lấy nguồn đó chia sẻ ra sao, tỷ lệ hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ như thế nào, với tiêu chí gì, phải rõ ràng thì mới đi vào thực tiễn được.
"Trong hiệp hội của tôi, hay như chính bản thân doanh nghiệp cũng qua quá trình tương tác cũng bị ảnh hưởng rất nhiều. Ví dụ giảm lãi cũng có gửi văn bản yêu cầu hỗ trợ, nhưng cũng kéo dài khoảng hơn 1 tháng, nếu không tác động thì ít khi được trả lời. Hầu như phí ngân hàng sẽ nói là cũng nhiều doanh nghiệp đăng ký và chúng tôi đang xem xét tiêu chí.
Nếu các chi nhánh ngân hàng không được giảm chỉ tiêu kế hoạch lợi nhuận thì chắc chắn chi nhánh đó sẽ "làm lơ", nếu không thì không đạt chỉ tiêu kế hoạch lợi nhuận hàng tháng, hàng quý. Mong là các NHTM phải có chỉ thị quyết liệt thì hỗ trợ cho doanh nghiệp mới nhanh được.", ông Hồng Anh đưa ra ví dụ thực tế hiện nay.
Tương tự với hoạt động giãn nợ, Ngân hàng đồng ý giãn nợ nhưng tích vào trong đó là nếu không khéo thì sẽ cân nhắc nâng nhóm, vay lại là khó. Doanh nghiệp trao đổi với ngân hàng thường bị hướng như vậy, không rõ ràng về mặt văn bản nên doanh nghiệp thường cố gắng trả rồi còn vay mới.
"Vừa rồi tôi cũng trao đổi với NHNN, tôi đề nghị với Hội DN trẻ Việt Nam thì có thể gửi thẳng ý kiến với NHNN để họ có động thái hỗ trợ", ông Đặng Hồng Anh cho biết.
Tất nhiên ông Hồng Anh cho biết sẽ có những doanh nghiệp khôn khéo trục lợi nhưng đừng vì một số nhỏ những người như vậy mà ảnh hưởng đến số lớn những người đang bị ảnh hưởng.
"Tôi đề nghị NHNN có tổng đài SOS cho doanh nghiệp. Nếu các điều kiện chính đáng của họ mà NHTM không giải quyết thì xử lý ra sao", Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam Đặng Hồng Anh đưa ra đề xuất.
Thực tế hiện nay ngành ngân hàng đứng trước thế khó khi nợ xấu đang nhúc nhích tăng lên như chia sẻ của ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank trên báo Đầu tư. Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Ngân hàng OCB cho hay: “Năm nay, doanh nghiệp xác định phải đối phó với suy giảm kinh doanh, thậm chí là phá sản. Nợ xấu tại ngân hàng theo đó cũng tăng cao hơn”. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng mới đây cũng cho biết, dư nợ dự kiến bị ảnh hưởng bởi Covid-19 đến nay khoảng 2 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 23% dư nợ toàn hệ thống.
Nguồn: CafeF (Theo Trí Thức trẻ)