Mạch nguồn trong câu chuyện mà ông Đặng Văn Thành chia sẻ, ẩn sau kế hoạch, chiến lược kinh doanh,... là tâm huyết, trách nhiệm của người “thuyền trưởng” với doanh nghiệp, với cổ đông, với nhân viên, đối tác…
Doanh nhân Đặng Văn Thành, Chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công
Mặc dù phải đối mặt với vô vàn khó khăn, thách thức do đại dịch Covid-19 gây ra, nhưng Tập đoàn Thành Thành Công (TTC) đã chủ động hoàn thành các chỉ tiêu trong chiến lược phát triển 5 năm (2021 - 2025) và tầm nhìn đến 2030. Chia sẻ về những kết quả nổi bật của Tập đoàn, ông muốn đề cập đến lĩnh vực nào?
Giai đoạn vừa qua, các chỉ số kinh doanh của TTC đều đạt và vượt kế hoạch, chỉ số lợi nhuận rất khả quan.
Đặc biệt, đối với lĩnh vực năng lượng, TTC vẫn giữ quan điểm xuyên suốt là đầu tư vào nguồn năng lượng sạch, thân thiện với môi trường. Tháng 10/2021, TTC đã đóng điện thành công 3 dự án điện gió tại Tiền Giang, Bến Tre, Gia Lai; hoàn thành kế hoạch đóng điện thương mại để nhận được giá FIT ưu đãi.
Khi xây dựng chiến lược 2021 - 2025, TTC đã dự báo được khả năng tiệm cận công nghệ, đặc biệt là năng lượng gió, năng lượng mặt trời. Với đơn vị hạt nhân là Công ty cổ phần Điện Gia Lai (GEC), TTC đang vận hành gần 1.000 MW năng lượng tái tạo. Tôi muốn nhấn mạnh giá trị gia tăng thực sự mà TTC mang lại trong lĩnh vực năng lượng. GEC là đơn vị đi đầu trong việc trao đổi chứng chỉ Năng lượng tái tạo (REC - Renewable Energy Certificate), được cộng đồng quốc tế ghi nhận về việc phát triển năng lượng sạch. Việt Nam vẫn đang nhập khẩu điện từ Lào và Trung Quốc để đảm bảo cung ứng cho mùa cao điểm, nhưng với sự quan tâm hỗ trợ của Chính phủ nói chung và EVN nói riêng, tới đây, chúng ta có thể tự tin về việc xuất khẩu điện sang những quốc gia lân cận.
Đó có phải là lý do TTC muốn thu hút thêm vốn ngoại để tăng cường đầu tư cho chiến lược phát triển năng lượng sạch, thông qua việc bán 35,1% cổ phần của GEC cho Tập đoàn JERA (Nhật Bản), thưa ông?
Nhận chuyển nhượng phần vốn góp từ Công ty Tài chính quốc tế (IFC) thuộc Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Đầu tư năng lượng tái tạo Armstrong Asset Management để sở hữu 35,1% cổ phần tại GEC, JERA sẽ hỗ trợ về công nghệ và chuyên gia trong kế hoạch chi 1 tỷ USD để nâng công suất năng lượng tái tạo lên hơn 2.000 MW của GEC. Trong đó, điện gió dự kiến tăng từ 25% hiện nay, lên khoảng 2/3 tổng công suất vào năm 2025.
Trong chiến lược mở rộng đầu tư vào năng lượng sạch, góp phần giảm thiểu khí CO2 và hướng đến phát triển bền vững tại Việt Nam, JERA đã chọn TTC/GEC là đối tác chiến lược. Với kinh nghiệm cùng nền tảng công nghệ hiện đại, JERA được kỳ vọng sẽ hỗ trợ GEC thực hiện chiến lược mở rộng danh mục năng lượng tái tạo tiềm năng đến năm 2025.
Trở lại với mảng mía đường, vốn là lĩnh vực kinh doanh cốt lõi của TTC, ông đánh giá thế nào về mức độ hoàn thành mục tiêu doanh thu 1,5 tỷ USD vào niên độ 2024 - 2025 của doanh nghiệp thành viên - Công ty cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa (TTC Sugar)?
Về lĩnh vực mía đường, TTC không chỉ giữ vững được thị phần của Việt Nam sau khi ký kết Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), mà còn khẳng định được vị thế của ngành mía đường Việt Nam trong khu vực. Tuy vẫn có những thách thức như vấn đề hạn điền, nhưng bằng sự kiên định trong áp dụng khoa học - kỹ thuật vào canh tác, TTC đã đồng hành cùng người nông dân, xóa bỏ định kiến về một nền nông nghiệp lạc hậu để tự tin hướng đến một nền nông nghiệp công nghệ cao, phát triển bền vững, hài hòa quyền lợi với nông dân, cộng đồng và thân thiện môi trường, đồng thời đóng góp tích cực trong việc đảm bảo nguồn lương thực trong giai đoạn giãn cách xã hội để phòng, chống Covid-19 thời gian qua.
Tôi muốn nói thêm về hành trình phát triển của TTC, gắn với mảng mía đường. Với xuất phát điểm ban đầu chỉ là cơ sở sản xuất cồn, sau đó thực hiện cổ phần hóa, TTC đã trở thành nhà sản xuất, nhà thương mại. Năm 2010, TTC là doanh nghiệp Việt Nam duy nhất thực hiện mua bán - sáp nhập (M&A) với doanh nghiệp nước ngoài - Tập đoàn Bourbon (Pháp). Sau đó, TTC tiếp tục M&A thành công khi mua lại mảng mía đường của Hoàng Anh Gia Lai.
Ngoài ra, TTC còn nâng cao sản lượng bằng cách mua lại doanh nghiệp đường của Ấn Độ ở Campuchia nhằm tiếp tục chiến lược mở rộng thị trường. Thương vụ này cơ bản đã hoàn tất, sẽ được công bố cuối năm 2022. Điều này cũng thể hiện tầm nhìn trong chiến lược phát triển dài hạn của TTC.
TTC tự hào sở hữu thương hiệu Đường Biên Hòa trên 50 năm - thương hiệu chiếm gần 50% thị phần Việt Nam, gần gũi với người tiêu dùng, thân thiện với môi trường và tốt cho sức khỏe.
Hoạt động của TTC trong ngành mía đường trải dài ở 5 quốc gia (Việt Nam, Lào, Campuchia, Singapore, Australia), trong đó Việt Nam là trụ cột chính. TTC Sugar vừa kết thúc niên độ 2021 - 2022 với lợi nhuận trước thuế 1.000 tỷ đồng, tiếp tục hướng tới mục tiêu doanh thu đạt 1,5 tỷ USD vào niên độ 2024 - 2025, tham gia vào các thủ phủ mía đường khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Nhìn lại chặng đường phát triển 5 năm qua, TTC Sugar đã có sự bứt phá khi ghi nhận doanh thu thuần tăng gấp hơn 3 lần (từ 4.498 tỷ đồng, tăng lên 14.925 tỷ đồng), lợi nhuận sau thuế tăng 2,3 lần (từ 287 tỷ đồng, tăng lên 650 tỷ đồng), mức tăng trưởng kép (CAGR) lần lượt đạt 35% và 23%.
Nắm bắt xu thế toàn cầu, TTC Sugar coi việc tự chủ vùng nguyên liệu là chìa khóa tạo nên sự khác biệt, giúp nâng cao lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp. Trong chiến lược 5 năm 2021 - 2025, bên cạnh việc duy trì vùng nguyên liệu nội địa, TTC Sugar đẩy mạnh phát triển hệ thống vùng nguyên liệu xuyên biên giới theo tiêu chuẩn quốc tế, tăng cường trao đổi, phát triển nông nghiệp 4.0… Tôi tin tưởng, TTC Sugar sẽ hoàn thành mục tiêu tổng sản lượng 2 triệu tấn, doanh thu đạt 1,5 tỷ USD vào niên độ 2024 - 2025.
Hành trình phát triển của TTC gắn với mảng mía đường. Nhưng trong chiến lược phát triển, năm 2023, TTC sẽ tập trung cho lĩnh vực năng lượng. Ông có chia sẻ gì với những cổ đông của TTC Sugar?
Trước tiên, với tư cách người “thuyền trưởng”, tôi xin cảm ơn tất cả cổ đông đã tín nhiệm tôi mà đầu tư vào những đơn vị mà TTC là nhà đầu tư chi phối.
Bất cứ ngành nghề kinh doanh nào cũng có chu kỳ. Với mía đường, chu kỳ là 4 năm, đó là chu kỳ thay gốc của cây mía. Sau khi ATIGA có hiệu lực, đến năm 2016 - 2017, ngành mía đường rơi vào chu kỳ đi xuống, theo hình “chữ U”. Rất nhiều nhà máy đường trong nước phải ngừng hoạt động. Trong bối cảnh khó khăn, TTC Sugar không những đã trụ vững, mà còn lấy lại mạch tăng trưởng.
Trở lại vấn đề cổ đông quan tâm, tất nhiên, khi đầu tư, cổ đông cần cổ tức. Nhưng cổ tức chỉ là một yếu tố, điều quan trọng đối với doanh nghiệp mà họ tín nhiệm là thị giá. Muốn thị giá tốt, thì phải dứt khoát đưa quản trị, kiểm soát vào doanh nghiệp mới có thể đem lại hiệu quả. Trong điều hành kinh doanh, tôi rất nghiêm khắc về vấn đề kiểm soát.
Quan điểm của tôi là, khi cổ đông đã tin tưởng đầu tư vào doanh nghiệp, chúng ta phải có trách nhiệm với cổ đông, bên cạnh việc chăm lo cho khách hàng và cán bộ, nhân viên. Điều này được minh chứng bằng kết quả hoạt động kinh doanh. Cho tới ngày hôm nay, sau đại dịch, mảng mía đường của TTC vẫn duy trì vị thế đứng đầu thị trường, nắm giữ 46% thị phần thị trường đường Việt Nam. Đây là những điều tôi muốn chia sẻ với cổ đông.
Ông vừa chia sẻ về lĩnh vực năng lượng và mía đường, còn với lĩnh vực bất động sản và du lịch, TTC có định hướng phát triển thế nào trong bối cảnh mới?
TTC đã tham gia thị trường bất động sản từ khá sớm (năm 2004). Theo lộ trình phát triển, mảng bất động sản (với đơn vị chủ lực là TTC Land) cũng đóng góp tỷ lệ tương đối trong doanh thu và lợi nhuận của toàn Tập đoàn.
Chúng tôi không phát triển bất động sản theo kiểu “hớt váng thị trường”, mà sẽ xây dựng bài bản, hoàn chỉnh, khép kín từ hạ tầng tới dịch vụ tiện ích… để đảm bảo mỗi sản phẩm cung cấp cho khách hàng vừa là không gian sống tiện nghi, vừa là mái ấm.
Trong đó, Selavia là “đại dự án” mà TTC ấp ủ và chăm chút trong suốt thời gian qua. Dự án có tổng vốn đầu tư lên đến hơn 30.000 tỷ đồng thuộc khu phức hợp đa chức năng với quy mô lên tới 300 ha tại đảo ngọc Phú Quốc.
Riêng trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp, TTC đang sở hữu 3 khu - cụm công nghiệp với tổng diện tích hơn 1.000 ha, gồm: Khu công nghiệp Thành Thành Công, Cụm công nghiệp Tân Hội tại Tây Ninh; Khu công nghiệp Tân Kim mở rộng tại Long An và hệ thống kho bãi, nhà xưởng rộng khắp từ TP.HCM tới Tây Ninh, Long An, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Ngoài ra, TTC cũng đầu tư 1 dự án lớn là Tổng kho Sacombank Sóng Thần trên diện tích 29,3 ha, trong đó, diện tích sàn kho khoảng 19 ha.
Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tái cấu trúc các công ty thành viên, gồm TTC Land, TTC Phú Quốc và Bất động sản công nghiệp Thành Thành Công (TTC IZ) để tối ưu hóa hiệu quả hoạt động, đem lại hướng phát triển bền vững cho Tập đoàn.
Bên cạnh những bản kế hoạch đầu tư rất đồ sộ mà ông vừa đề cập, vì sao, TTC quyết định tái đầu tư vào lĩnh vực giáo dục, thưa ông?
Không riêng TTC, các tập đoàn lớn đều có những hướng đi nhằm đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, chính TTC cũng có nhu cầu về nguồn nhân lực để triển khai thành công chiến lược phát triển dài hạn. Bởi vậy, chúng tôi quyết định đầu tư vào lĩnh vực giáo dục.
Chúng tôi cũng đã vạch ra định hướng đầu tư và phát triển cụ thể cho lĩnh vực này, với rất nhiều tâm huyết. Một phần trong đó là kế hoạch M&A, để có thể phát huy và triển khai mục tiêu nhanh nhất. Vừa qua, TTC mua lại Đại học Yersin Đà Lạt, tái lập mảng giáo dục. Đây là thương vụ M&A mới nhất, giúp TTC sở hữu lại trường đại học trước đây là thành viên trong hệ sinh thái của Tập đoàn.
Theo Báo Đầu Tư