Sau thời gian dài trầm lắng do những vướng mắc về vốn và pháp lý, hiện các dự án bất động sản đã dần được tháo gỡ, góp phần tăng khả năng tiếp cận tín dụng của chủ đầu tư dự án.
Theo báo cáo của Chính phủ gửi các đại biểu về thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn đối với lĩnh vực ngân hàng cho thấy tín dụng đầu tư vào các dự án bất động sản (BĐS) đang tăng mạnh trở lại.
Trong 7 tháng đầu năm, dư nợ kinh doanh bất động sản đã tăng mạnh với mức 18,95%.
Khơi thông nguồn vốn
Cụ thể, trong 7 tháng đầu năm, tín dụng bất động sản chỉ tăng 4,99%. Trong khi đó, dư nợ kinh doanh bất động sản đã tăng mạnh với mức 18,95%, vượt tốc độ tăng trưởng của cả năm 2022 (10,73%).
Theo NHNN, đây là mức tăng trưởng rất cao, gấp hơn 4 lần mức tăng trưởng tín dụng chung (4,54%). Diễn biến trên thể hiện rằng các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường vừa qua đã bắt đầu phát huy tác dụng. Những khó khăn về mặt pháp lý của các dự án bất động sản đã dần được tháo gỡ, góp phần tăng khả năng tiếp cận tín dụng của chủ đầu tư dự án.
Cũng trong báo cáo, dư nợ tiêu dùng và tự sử dụng BĐS đã giảm 1,36%, là năm đầu tiên trong 3 năm trở lại đây xuất hiện xu hướng giảm, trong khi năm 2022 lại tăng hơn 31%. Xu hướng này cho thấy nguồn vốn tín dụng đang tập trung vào phía cung của thị trường trong khi đó cầu tín dụng để mua BĐS với mục đích tiêu dùng và tự sử dụng của thị trường đang sụt giảm.
Nguyên nhân của sự thay đổi này có thể liên quan đến khó khăn kinh tế chung và sự tập trung vào các sản phẩm BĐS cao cấp. Điều này dẫn đến việc nguồn thu nhập của người mua nhà cũng bị sụt giảm theo, khiến nhu cầu mua nhà ở có thể không được người dân ưu tiên trong thời điểm hiện nay; thiếu nhà ở giá rẻ, phù hợp với nhu cầu của người dân; các dự án BĐS gặp khó khăn về mặt pháp lý nên không đáp ứng được điều kiện tín dụng dẫn tới khó tiếp cận nguồn vốn; các dự án BĐS còn gặp khó về mặt pháp lý nên không đáp ứng được điều kiện tín dụng dẫn tới khó tiếp cận nguồn vốn.
Nhận định về thị trường, TS. Châu Đình Linh - Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM cho biết, thực tế, nguồn cung vốn từ phía ngân hàng đang rất lớn, tuy nhiên phía cầu lại đang gặp "trục trặc". Mặc dù lãi suất cho vay liên tục giảm và nhiều Ngân hàng Thương mại đã đưa ra các gói vay đặc thù cho từng nhóm khách hàng nhưng vẫn chưa ghi nhận được "cú hích" nào.
Điều này là do trong thời gian qua, hầu hết các giao dịch trên thị trường BĐS chủ yếu là do đầu cơ, đặc biệt là ở phân khúc cao cấp, không liên quan chặt chẽ đến nhu cầu thực tế. Khi thanh khoản thị trường còn yếu, cung - cầu vốn chưa gặp nhau thì việc tạo sự đột phá trong tăng trưởng tín dụng rất khó.
Theo ông Linh, để thúc đẩy tín dụng cho vay BĐS, các doanh nghiệp bất động sản cần phải khẩn trương cơ cấu lại nguồn hàng, nguồn lực, vấn đề vốn, đa dạng hóa sản phẩm, minh bạch trong việc quản lý; quản trị rủi ro tốt hơn... Đồng thời định vị lại các sản phẩm của mình phù hợp với phân khúc thị trường, hướng tới mục đích kinh doanh minh bạch hơn, dài hạn hơn.
Ngoài ra, cần triển khai tổng hòa các giải pháp từ Chính phủ đến các bộ, ngành và chính doanh nghiệp, khi nền kinh tế hồi phục, nhu cầu đầu tư vào thị trường bất động sản cũng sẽ tăng. Qua đó sẽ thúc đẩy tăng trưởng tín dụng vào lĩnh vực này.
Cần kiểm soát rủi ro
Tuy nhiên, NHNN cũng lưu ý về tỷ lệ nợ xấu của lĩnh vực BĐS đang có chiều hướng gia tăng so với thời điểm cuối năm trước (tháng 7/2022 là 1,8%, tháng 7/2023 là 2,58%).
Theo NHNN, nhằm kiểm soát rủi ro trong tín dụng BĐS, NHNN đã và đang triển khai một loạt biện pháp giám sát và đảm bảo an toàn hoạt động. Cụ thể, những biện pháp này bao gồm: Giám sát thường xuyên, liên tục đối với tình hình hoạt động các đơn vị trong hệ thống và xây dựng các báo cáo giám sát an toàn theo định kỳ đối với các đối tượng và nhóm đối tượng giám sát; giám sát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng dư nợ và chất lượng tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao như: bất động sản, chứng khoán, tiêu dùng, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp; tăng cường thanh tra, kiểm tra theo hướng đưa nội dung thanh tra về hoạt động cấp tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro vào kế hoạch thanh tra chuyên ngành đối với các cuộc thanh tra pháp nhân định kỳ hàng năm...
Đồng thời, kiểm soát rủi ro cấp tín dụng đối với phân khúc BĐS cao cấp đang dư thừa nguồn cung, BĐS không có nhu cầu thực, kinh doanh có tính chất đầu cơ BĐS, làm giá, lũng đoạn thị trường BĐS…