Tin tức

HoREA đề xuất giải pháp phát triển bất động sản TP. Hồ Chí Minh

Các luật liên quan đến bất động sản (BĐS) cần được sửa đổi, bổ sung theo hướng kiến tạo môi trường đầu tư, kinh doanh BĐS minh bạch, thông thoáng, lành mạnh, bình đẳng. Chính quyền TP. Hồ Chí Minh cũng cần sớm triển khai các dự án liên quan đến quy hoạch phát triển đô thị, cơ sở hạ tầng...

Thu hút mạnh vốn ngoại

Vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang có xu thế tăng dần vào thị trường BĐS Việt Nam. Riêng tại TP. Hồ Chí Minh, các năm 2015 và 2017 vốn ngoại đổ vào BĐS đứng vị trí thứ nhất cả nước. Tính đến cuối năm 2017, toàn thành phố có 7.372 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư gần 45 tỷ USD. Còn hiện tại, nguồn kiều hối gửi về Việt Nam hàng năm giữ ở mức trên dưới 10 tỷ USD, trong đó TP. Hồ Chí Minh chiếm khoảng 50% và có khoảng 21% số đó đầu tư vào BĐS.

giaiphaphoinha p.30116023.jpg

Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu (phải) trao đổi với Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân về giải pháp phát triển thị trường BĐS đáp ứng yêu cầu hội nhập.

Tại hội thảo khoa học “Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh của kinh tế thành phố đáp ứng yêu cầu hội nhập”, vừa diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP. Hồ Chí Minh (HoREA) nêu ra hai nguyên nhân chủ yếu giúp BĐS thu hút mạnh nguồn vốn FDI.

Thứ nhất, đó là việc Nhà nước đã thay đổi chính sách, pháp luật về đầu tư, kinh doanh BĐS, nhà ở đã cho phép nhà đầu tư nước ngoài được đầu tư kinh doanh BĐS tương tự nhà đầu tư trong nước; được quyền tham gia vào quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Đặc biệt là chính sách cho cá nhân nước ngoài sau khi nhập cảnh hợp pháp vào Việt Nam, được mua và sở hữu nhà ở tại các dự án nhà ở thương mại, ngoài khu vực bảo vệ quốc phòng, an ninh.

Thứ hai là do sự ổn định về chính trị, trong khi kinh tế lại đang tăng trưởng vững chắc, đồng thời nhiều DN trong nước cũng có năng lực và uy tín thương hiệu, đặc biệt là tầng lớp trung lưu đang gia tăng mạnh, dự kiến chiếm 50% dân số trong 10 năm tới.

Theo ông Lê Hoàng Châu, khi nước ta gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào năm 2007, nhiều ý kiến quan ngại nhà đầu tư nước ngoài sẽ thống lĩnh thị trường BĐS. Nhưng thực tế cho thấy, quan ngại này là không có cơ sở, bởi cho đến nay, các DN Việt Nam vẫn đang thống lĩnh thị trường này.

Tuy nhiên, cũng do độ mở cao của nền kinh tế nước ta trước tác động của nền kinh tế toàn cầu, nên sắp tới cần phải có chính sách thích hợp để giữ chân nhà đầu tư nước ngoài và tiếp tục thu hút được nguồn vốn FDI phục vụ sự phát triển của kinh tế đất nước cũng như thị trường BĐS.

bdstphcm.jpg

Doanh nghiệp trong nước vẫn đang giữ vị thế thống lĩnh thị trường BĐS TP. Hồ Chí Minh.

Phát triển BĐS đáp ứng nhu cầu hội nhập

Trước thực tế này, HoREA đã đề xuất một số giải pháp phát triển thị trường BĐS TP. Hồ Chí Minh nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập giai đoạn 2016 - 2020. Trong đó, HoREA kiến nghị, các nhà làm luật cần sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS, Luật Xây dựng... theo hướng kiến tạo môi trường đầu tư, kinh doanh BĐS minh bạch, thông thoáng, lành mạnh, bình đẳng.

Cụ thể là sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách về thu tiền sử dụng đất (SDĐ) vừa đảm bảo nguyên tắc giá đất phù hợp với giá thị trường, vừa phù hợp với khả năng tài chính của cá nhân, hộ gia đình và không để tiền SDĐ là gánh nặng cho DN BĐS; quy trình công tác thẩm định thiết kế cơ sở, thẩm định thiết kế kỹ thuật, cấp giấy phép xây dựng các công trình xây dựng cấp 1; quản lý các sản phẩm BĐS mới; tạo điều kiện cho DN được tiếp cận bình đẳng, minh bạch các nguồn lực đất đai, các dự án đầu tư theo hình thức PPP, BT, quá trình cổ phần hóa DNNN, bán tài sản đảm bảo các khoản nợ xấu...; kiến nghị thực hiện hiệu quả cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính, thực hiện chính quyền điện tử…

Đồng thời, cơ quan nhà nước có thẩm quyền sớm triển khai cấp “Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất” cho người nước ngoài, ngoài việc tạo điều kiện thông thoáng cũng cần có biện pháp ngăn chặn tình trạng người nước ngoài đầu tư chui, hoặc mua chui BĐS tại Việt Nam.

“Các DN BĐS cũng cần nâng cao tầm nhìn, coi trọng hợp tác với các nhà đầu tư nước ngoài, bên cạnh việc tiếp tục tăng cường năng lực về vốn, về quản trị, tái cấu trúc DN và xây dựng mô hình quản lý phù hợp. HoREA luôn sẵn sàng thực hiện công tác kết nối đầu tư giữa các DN trong và ngoài nước” – ông Lê Hoàng Châu khẳng định.

Riêng đối với chính quyền TP. Hồ Chí Minh, HoREA kiến nghị sớm triển khai Đề án xây dựng đô thị thông minh; Đề án xây dựng đô thị sáng tạo phía đông; Đề án chuyển đổi 1/3 quỹ đất nông nghiệp thành đất công nghiệp, thương mại, dịch vụ, đô thị; xây dựng đại lộ ven sông Sài Gòn để định hướng phát triển thành phố về khu vực có địa hình cao như khu vực Tây Bắc, trên cơ sở điều chỉnh quy hoạch chung TP. Hồ Chí Minh trong năm 2018 để các DN BĐS có thêm cơ hội đầu tư, đồng hành.

“Chính quyền TP. Hồ Chí Minh cũng cần quyết liệt triển khai các dự án hạ tầng đô thị, trước hết là hạ tầng giao thông thông qua xã hội hóa đầu tư, bởi đây cũng là tiền đề để phát triển thị trường BĐS ăn theo quy hoạch phát triển mô hình “chùm đô thị” của TP. Hồ Chí Minh, bao gồm đô thị trung tâm và các đô thị vệ tinh, kể cả tại các huyện thuộc các tỉnh giáp ranh” – đại diện HoREA kiến nghị./.

Nguồn: Thời báo Tài chính Việt Nam

tin liên quan

JAMONA HEIGHTS
JAMONA CITY
CARILLON 2
CARILLON 7
CHARMINGTON
https://ttcland.vn/
https://ttcland.vn/catalog/view/theme/